Đây là con số được đưa ra trong điều tra dịch tễ lâm sàng 10 rối loạn tâm thần thường gặp ở cộng đồng (theo chẩn đoán bệnh của Tổ chức Y tế thế giới) ở các vùng kinh tế-xã hội khác nhau trên cả nước do BV Tâm thần Trung ương 1 thực hiện. Thông tin được báo cáo tại hội nghị khoa học thường niên năm 2015 được tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội.
Ông La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, cho biết tỉ lệ mắc chung 10 rối loạn tâm thần được điều tra là 14,22%. Trong đó rối loạn có tỉ lệ mắc cao nhất là lạm dụng rượu và nghiện rượu (4,07%), tiếp đó là lo âu (2,94%) và trầm cảm (2,54%), còn lại là các rối loạn sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não, nghiện ma túy, tâm thần phân liệt, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi thanh thiếu niên và động kinh.
Theo ông Cương, đối với trầm cảm, tỉ lệ mắc chủ yếu là nữ (hơn 86%). Các triệu chứng của trầm cảm rất phong phú và đa dạng: mất quan tâm thích thú, khó tập trung chú ý, có bệnh nhân mất ngủ thường xuyên, chán ăn.
Đặc biệt có gần 29% nghĩ đến chết chóc và hơn 16% có hành vi tự sát. “Những vấn đề này cần được ngành tâm thần quan tâm phối hợp với gia đình, đoàn thể động viên người bệnh đi khám” - ông Cương nhấn mạnh.
Cũng theo nghiên cứu thì có gần 89% nữ giới được điều tra mắc lo âu. Những triệu chứng thường gặp là nóng nảy và lo âu hơn thường lệ, cảm thấy sợ mà không rõ nguyên nhân, cảm giác dễ bối rối và hoảng sợ, nhiều phụ nữ gặp ác mộng trong giấc ngủ…
Dường như cuộc sống nhiều áp lực, nhiều stress, quá vội vã... đang khiến những dạng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần có cơ hội gia tăng.
Theo các chuyên gia y tế, một người lo âu, mất ngủ, không thiết tha bất cứ điều gì, thậm chí không muốn ăn, ngủ... kéo dài từ hai tuần trở lên được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm.
Tuy nhiên, đa phần đi khám vì bệnh tật chứ không ai đi khám vì… buồn. Do vậy, đa phần bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm thì bệnh ở mức nặng.
Theo một tổng kết tại BV Tâm thần Trung ương 1, trong số người đến điều trị cho thấy cứ 10 bệnh nhân trầm cảm thì bốn người từng lên kế hoạch tự tử, một người từng tự tử nhưng may mắn còn sống. Còn số người trầm cảm tự tử chết không thể thống kê được.
Nghiên cứu được thực hiện tại tám xã thuộc tám tỉnh trên phạm vi cả nước với hơn 76.000 người dân tham gia điều tra.
Liên quan đến vấn đề lạm dụng rượu và nghiện rượu, có đến 97% người nghiện rượu và lạm dụng rượu là nam giới và 67% trong số đó uống rượu hằng ngày. Triệu chứng loạn thần thường gặp là hoang tưởng và có dấu hiệu trầm cảm. |