Gần 39.000 trẻ em F0, F1 bị tổn thương nghiêm trọng trong dịch COVID

Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã xây dựng báo cáo chuyên đề gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực  giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên, trẻ em.

Đánh giá chung về tác động của dịch COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục và đạo tạo, báo cáo nhận định từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục.

Học trực tuyến khó triển khai, không hiệu quả

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đánh giá giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp.

Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ.

Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu kinh phí để chi trả cho giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động; một số cơ sở có nguy cơ bị đóng cửa. Nhiều giáo viên mầm non bị mất việc làm, gặp nhiều khó khăn.

Học sinh học trực tuyến ở TP.HCM. Ảnh: PLO

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, tuy nhiên hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.

Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

Trong khi đó, phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

Hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng lớn. Một số cơ sở giáo dục tổ chức dạy trực tuyến nhưng nguồn thu từ học phí không đủ trang trải chi phí; nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học phải đóng cửa hoặc giải thể…

Các địa phương được chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển vào trung học phổ thông tùy vào tình hình thực tế nhưng đa số còn lúng túng trong lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai phương thức.

“Chất lượng và công bằng của kỳ thi vào các lớp đầu cấp khó đạt yêu cầu…”- báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH; tác động đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh; ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

TP.HCM có số trẻ em F0, trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước

Cũng theo báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và có diễn biến phức tạp, khó lường, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31-8, 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19, trong đó có hơn 11.800 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là hơn 27.300 em.

TP.HCM là địa phương có số trẻ em F0, trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước và nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng. Trong khi đó, Hà Nội có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình.

Nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi cha, mẹ, vô gia cư, không nơi nương tựa. TP.HCM đã có hơn 1.500 em rơi vào cảnh mồ côi do COVID-19. Nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm, đẻ non trong điều kiện bà mẹ mang thai bị mắc COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ em trong tương lai.

Hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM mồ côi vì dịch COVID- 19. Ảnh minh hoạ: PLO

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng trẻ em là F0 và trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tổn hại. Trẻ em là F0, nhất là những trẻ mắc biến chủng mới Delta nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình, nếu không được xét nghiệm để phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ bị suy giảm thể lực, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng.

Trẻ em phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày, khiến các em bị căng thẳng tâm lý, mất cảm giác an toàn của gia đình, đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và những áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ…

Ngoài ra, dịch bệnh cũng góp phần làm tăng mức độ rủi ro và nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em. Số lượng vụ việc xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, đã phát hiện 1.233 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.014 vụ với 1.030 trẻ em.

Cạnh đó, vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ bé gái 5 tuổi bị đối tượng Phạm Văn Dũng (Sinh năm 1975) bóp cổ đến chết rồi xâm hại tình dục ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Vụ bé gái 2 tuổi bị đối tượng Nguyễn Quốc Lâm (Sinh năm 1983) hiếp dâm ở tỉnh Bình Thuận; Vụ cô giáo bạo hành bé 18 tháng tuổi đến mức nhập viện điều trị tâm lý vì quá hoảng sợ ở tỉnh Bình Thuận; Vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở tỉnh Hải Dương.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng nhận định trong điều kiện giãn cách xã hội do COVID-19, trẻ em dễ phát sinh tâm lý buồn chán, tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng. Trẻ em không đến trường học, nhất là trẻ trong những gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông giữ, phát sinh nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng.

Sau đại dịch, do hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo, sẽ làm tăng số trẻ em phải lao động kiếm sống, tham gia vào các hoạt động kinh tế của gia đình.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 13-8-2021, số giáo viên, học sinh bị nhiễm COVID-19 (F0) là 3.725 trường hợp, trong đó có 2.993 học sinh, 732 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Số ca F0 nhiều nhất tại TP.HCM với 2.398 học sinh và 661 giáo viên. 

Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình!
Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình!
(PLO)- Những mất mát trong tâm hồn con trẻ bị mất người thân do dịch bệnh COVID-19 cần được bù đắp đúng cách, nên để các em được sống trong môi trường gia đình. Việc chăm sóc trẻ em tập trung chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm