Ngày 11-10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn tổ chức hội thảo tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại TP Cần Thơ.
Quang cảnh hội thảo ngày 11-10 tại Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 mới được Bộ này thông qua.
Đề án đưa ra 25 chương trình, dự án ưu tiên với tổng vốn là gần 7.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, 25 chương trình, dự án tập trung vào các nội dung quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; Các dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; Tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; Phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; Nghiên cứu về chính sách…
Trong đó, Dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng bằng sông Hồng và duyên hải nam Trung bộ có số vốn lên tới 5.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong năm năm (2017-2022).
Theo ông Định, một trong những giải pháp đầu tiên tái cơ cấu ngành lúa gạo là tái cơ cấu sản xuất lúa. Cụ thể, đến năm 2020, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Theo ông Định, việc sử dụng linh hoạt được hiểu là chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị cao hơn nhưng khi vấn đề an ninh lương lương thực đe dọa thì vẫn trồng lúa được.
Đề án cũng đưa ra định hướng sản xuất lúa theo vùng. Sản xuất lúa ở ĐBSCL hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa xuân hè và lúa vụ ba (thu đông) ở nơi không đủ điều kiện. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và vùng ven biển.
Sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa, bao gồm thị trường lớn là thủ đô Hà Nội và các đô thị trong vùng, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Vì vậy, vùng đồng bằng sông Hồng sẽ chuyển hướng mạnh sang sản xuất lúa chất lượng cao và quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica.
Các đồng bằng ven biển miền Trung, ổn định sản xuất lúa hai vụ ở các vùng chủ động được nguồn nước tưới và chuyển đổi diện tích lúa ở các nơi khó khăn về nguồn nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng khác (ngô, đậu, mè, cỏ chăn nuôi...). Sản xuất lúa chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội tỉnh…