Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, người dân ở phường Tân Hưng, quận 7 và phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cho biết tình trạng hát karaoke, bật nhạc tập thể dục buổi sáng, hát hò ở quán nhậu... tiếp tục diễn ra trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là cận Tết Nguyên đán.
Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tinh thần của những người xung quanh.
Khổ sở vì tiếng ồn
Một số người dân phản ánh một hộ dân nằm trong hẻm 1041 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7) thường xuyên tụ tập tổ chức tiệc tùng, hát karaoke từ 5 giờ chiều đến 8-9 giờ tối hằng ngày, gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của những người lân cận.
Trao đổi với PV, chị NQT cho biết sau khi ăn nhậu, hát hò, hộ dân này cũng thường xuyên xảy ra ẩu đả, chửi bới lẫn nhau gây mất an ninh trật tự. Đáng nói, người dân đã phản ánh tình trạng bị karaoke “tra tấn” lên UBND phường, quận nhiều lần nhưng không được giải quyết triệt để.
“Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng hát, chửi bới, đánh nhau. Thậm chí khi nghe thấy tiếng ẩu đả, tôi phải khóa chặt cửa, không dám bước ra ngoài vì sợ liên lụy. Rất mong chính quyền có biện pháp xử lý, chứ để tình trạng này xảy ra lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn” - chị T bức xúc.
Tương tự, người dân cũng phản ánh trên đường D2, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú thường xuyên xuất hiện một nhóm các bà, các cô bật loa công suất lớn để tập thể dục nhịp điệu, khiêu vũ đều đặn vào 5-6 giờ sáng hằng ngày. Tuy nhiên, xung quanh khu vực này là trường học, chung cư, nhà dân... nơi tập trung đông dân cư và xe cộ qua lại.
Ông LVM, sống tại chung cư gần đường D2, cho biết ông đã lớn tuổi nên thường xuyên mất ngủ, đến khi ngủ được thì bị âm thanh xập xình từ những người tập thể dục làm cho tỉnh giấc.
“Tập thể dục có mở nhạc thì cũng phải vừa đủ nghe, đằng này các bà lại mở đùng đùng như các đám cưới hát nhạc thì ai chịu nổi. Mong rằng nhóm tập thể dục này tìm nơi nào thích hợp hơn để tập, để không làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh” - ông M nói.
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tăng cao
Trao đổi với PV, đại diện quản lý cổng thông tin 1022 cho biết từ ngày 1-10 đến 27-12-2023, cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận tổng cộng 4.052 phản ánh về lĩnh vực tiếng ồn đô thị.
Cổng thông tin 1022 phân chia phản ánh về lĩnh vực tiếng ồn đô thị thành hai loại. Thứ nhất là tiếng ồn kinh doanh, xuất phát từ các hoạt động kinh doanh như quán karaoke, quán bar, quán nhậu hát loa kẹo kéo... Thứ hai là tiếng ồn khu dân cư, xuất phát từ quá trình sinh hoạt của các hộ dân trong khu dân cư như hát hò tiệc tùng, hát karaoke gia đình. Theo đó, cổng thông tin 1022 tiếp nhận nhiều nhất về phản ánh liên quan đến tiếng ồn kinh doanh.
Căn cứ theo quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên cổng thông tin 1022, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, trong vòng 5 phút, tổng đài viên sẽ phân loại phản ánh theo lĩnh vực. Đồng thời chuyển phản ánh đến đơn vị xử lý, hệ thống tự động nhắn tin (SMS) để thông báo phản ánh đã được ghi nhận và đang xử lý.
Tiếp theo, đơn vị xử lý có trách nhiệm xác minh sự việc phản ánh của tổng đài viên chuyển đến. Nếu phản ánh ghi nhận là chính xác thì đơn vị có trách nhiệm tiến hành xử lý, giải quyết và báo cáo kết quả xử lý lên cổng thông tin 1022 để thông tin đến người dân.
“Đối với các phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật, các lĩnh vực thuộc kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trật tự có thời gian xử lý từ 2 giờ (sự cố nhỏ khắc phục ngay) cho đến không quá năm ngày làm việc (đối với các sự cố lớn)” - đại diện cổng thông tin 1022 thông tin.
Tùy vào mức độ vi phạm của tổ chức cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, cơ quan chức năng sẽ tiến hành nhắc nhở, yêu cầu làm bản cam kết không vi phạm và tiến hành khắc phục ngay tiếng ồn. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, đã bị phản ánh nhiều lần sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Khó xử lý vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận 7, cho biết do thiếu trang bị máy đo tiếng ồn để xử phạt nên UBND phường phải phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn, xác định cụ thể mức độ vi phạm. Đồng thời, theo quy định, người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả chi phí trên nên rất mất thời gian xử lý cũng như thiếu sự hợp tác của người dân.
Hơn nữa, hành vi vi phạm tiếng ồn không xảy ra liên tục và hậu quả không hiện hữu nên sau khi UBND phường phát hiện, kiểm tra thì người vi phạm đã dừng hoạt động. Do đó, việc đo đạc, phân tích tiếng ồn... là rất khó khăn và thiếu chính xác để phục vụ công tác xử phạt.
Nói về khó khăn xử lý tiếng ồn trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, cho biết UBND phường không có phương tiện kỹ thuật, thiết bị đo đạc trong việc xử lý, xử phạt vi phạm hành chính.