Gần 12 giờ trưa nhưng bà Huỳnh Thị Mon, ngụ ấp Phú Trung, xã An Phú, Củ Chi (TP.HCM) vẫn cặm cụi cho bò ăn cỏ rồi tắm cho bò. Phụ bà Mon còn có anh con trai Trần Quốc Bình, năm nay 29 tuổi.
Nhờ bò mà nhẹ gánh lo
Anh Bình là con trai út, sinh ra với hai chân bị teo cơ nhưng may mắn vẫn còn đi đứng được do di chứng chất độc da cam từ người cha từng đi bộ đội. Tuy thiếu thốn nhưng hai vợ chồng bà Mon vẫn cho bốn người con đến trường đầy đủ. Cả nhà sáu người sống đắp đổi qua ngày bằng các vụ lúa.
Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Mon, năm 2003, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM hỗ trợ 7,5 triệu đồng cho bà mua một con bò. Từ con bò ban đầu, bà nuôi cho đến khi mẹ đẻ, con đẻ được ba con. Thấy phong trào nuôi bò sữa đang nở rộ, bà mạnh dạn bán ba con bò để mua một con bò sữa. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nay bà Mon đã có đàn bò với 11 con bò sữa, năm con bò chửa và 12 bò con, thu được 100 lít sữa tươi mỗi ngày.
“Nhờ có bò mới nhẹ lo chút, lâu lâu túng thì bán một con để xoay xở hay có vốn ở nhà rồi thì người ta mới dám bán thiếu cho mình. Mình nuôi nó, nó lại nuôi mình” - bà Mon chia sẻ. Cũng nhờ đàn bò mà bà đã sửa chữa mái nhà ngói cột đổ xiêu vẹo bằng ngôi nhà lát gạch men khang trang hơn. Tuy khuyết tật nhưng anh Bình đã tốt nghiệp khoa Công nghệ ô tô Trường CĐ nghề TP.HCM và hiện chàng kỹ sư không quản ngại khó khăn, phụ mẹ chăn nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình.
Gia đình ông Lê Văn Hoàng và đàn heo con mới. Ảnh: HOÀNG LAN
Bỏ oán hận, nhận tình thương
Những năm Mỹ thả bom ác liệt, ông Lê Văn Hoàng, ngụ ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, xông xáo tham gia du kích địa phương. Hòa bình, ông sớm ổn định cuộc sống, lấy vợ rồi sinh con. Niềm vui không kéo dài bao lâu khi đứa con trai thứ hai ra đời với chứng ngực lép, biến dạng cột sống. Bản thân ông Hoàng thường xuyên bị viêm phổi và gan, phải nhập viện. Ở nhà, vợ và các con ông phải quần quật đan phên liếp từ sáng sớm đến khuya để bỏ mối cho người làm bánh tráng.
Hội Chữ thập đỏ TP phối hợp với một tổ chức của Pháp hỗ trợ mua cho gia đình ông Hoàng một con bò có chửa 7,5 triệu đồng và xây chuồng thêm 1,2 triệu đồng nữa.
Ông nói: “Trước khi họ mua bò cho, họ mời tôi lên tập huấn cách nuôi bò. Khi có bò con thì mình phải đem giao lại cho một hộ khác cũng có con bị nhiễm chất độc da cam”. Nhờ con bò ban đầu mà ông Hoàng xoay xở đổi giống rồi nhân giống và nuôi thêm heo, gà, trĩ rồi học cách trồng hoa lan để tăng thêm thu nhập. Thời điểm khó khăn, ông Hoàng được Hội Chữ thập đỏ TP vận động mạnh thường quân cấp học bổng động viên các con đi học. Nay con gái đầu của ông đã trở thành giáo viên và ba người con trai làm công an. Năm 2015, từ một hộ nghèo liên tục nhiều năm liền, gia đình ông Hoàng đã thoát nghèo. Ông vẫn thường nhắc con cái về sự đùm bọc của xã hội dành cho gia đình mình.
Tất cả họ đang gác lại những oán hận với phía đã gây ra nỗi đau da cam. Họ chỉ mong được một lời xin lỗi và bồi thường thỏa đáng cho những nạn nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo.
Trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 1, TP.HCM) có một gian hàng nhỏ bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xinh xắn. Người bán là anh Nguyễn Minh Thắng, 34 tuổi, hiện đang ở Cơ sở khuyết tật An Phúc. Anh Thắng là nạn nhân da cam. Từ lúc chào đời, chân anh đã bị khuyết tật, thể trạng ốm yếu. Học xong đại học, anh Thắng vào Cơ sở khuyết tật An Phúc phụ trách dạy nghề cho các bạn trẻ khuyết tật. Năm 2010, anh đã đề nghị được mở một gian hàng bán các mặt hàng mỹ nghệ ở bảo tàng và được chấp nhận, anh học thêm tiếng Anh và làm các mặt hàng thủ công để bán cho du khách nước ngoài. Anh Thắng vừa kết hôn tháng trước với một cô gái bị tai nạn chấn thương cột sống, hiện tại sức khỏe của cô vẫn rất yếu. Anh đưa ngón tay đeo nhẫn lên khoe: “Bao nhiêu khó khăn trong đời mình đã đi qua hết rồi. Những khó khăn sắp tới, vợ chồng mình sẽ vượt qua được thôi. Mình rất lạc quan vì có một ước mơ lớn”. Tại buổi giao lưu ngày 8-8 vừa qua tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nhân kỷ niệm 55 năm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, anh đã trò chuyện và động viên một số bạn trẻ khuyết tật: “Hãy sống có ước mơ, bạn sẽ thấy cuộc sống này rất đáng sống”. Ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc bảo tàng, cho biết bảo tàng sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc giao lưu với nạn nhân chất độc da cam để thấy nhiều nạn nhân đã vượt khó, tự tin hòa nhập với cộng đồng. Hồng Minh Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam. Hậu quả làm cho môi trường sinh thái bị hủy hoại nặng nề, khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần ba triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm ngàn người đã chết. |