Dù trời nắng hay mưa, tại góc ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM), vào mỗi sáng, người đi đường vẫn thấy cái dáng lom khom của một bà cụ tóc bạc trắng đang ngồi tỉ mỉ vuốt từng tấm lá chuối xanh. Mùi thơm phức, béo ngậy của đậu xanh, hành phi… níu chân bao khách qua đường.
Cầu toàn và tỉ mẩn
Bà Kiệm cho biết: “Xôi phải ủ trong lá chuối mới giữ được mùi thơm lâu. Tôi phải đặt tận Bà Điểm - Hóc Môn mới được lá nhà vườn sạch, mà giờ cũng khan hiếm, phải quen lắm người ta mới để lại cho mình”.
Bà Kiệm là người rất cầu toàn và kỹ tính. Tất tần tật các thứ trong gánh xôi này đều tự tay bà làm. Gánh xôi chỉ có hai món xôi bắp, xôi vò nhưng coi vậy mà cũng lắm công phu. Nếp đồ xôi cứ phải là nếp cái hoa vàng. Bắp khô ngâm nước nấu qua ba lần lửa, hầm thật lâu mới nở hết và mềm đều. Đậu xanh đãi vỏ, hấp chín rồi cho vô cối giã, chừng nào thật nhuyễn mới thôi. Hành được phi từng mẻ nhỏ qua dầu olive nguyên chất để có mùi thơm ngậy, giòn đều.
Múc một miếng xôi mềm dẻo, thơm ngon, bùi bùi, béo ngậy cho vào miệng, bạn như cảm nhận được sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như tình cảm của người nấu gửi gắm vào trong đó.
Ở tuổi xế chiều, bà Kiệm dần chuyển giao gánh xôi cho cô con gái và mong muốn cô yêu thương cái gánh xôi này mà nối nghiệp mẹ. Ảnh: ĐỨC HẠNH
Thoáng chốc đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngày nào bà Kiệm cũng lục đục thức dậy từ 2 giờ sáng và tẩn mẩn thực hiện đúng từng công đoạn như thế.
Bà Kiệm trải lòng: “Nếu đặt tên, tôi sẽ đặt gánh xôi này là xôi chạy vì tôi chạy từ thời mới bán tới tận bây giờ, ngày ấy chạy ra tận Tòa Bưu Chính (UBNDTP) và Phủ Gia Long (Dinh Độc Lập) cơ mà. Chạy bom rơi, pháo kích. Bầu bì cũng phải chạy. Vất vả lắm!”. Nói rồi sóng mắt bà như se lại khi nhớ về những ngày tháng ấy. Bà kể: “Nhớ có mấy hôm trời mưa gió, tôi bầu bì đã tám tháng, chú công an thấy thương tình, bảo thôi cứ ngồi đấy bán nhưng tôi tuân thủ quy tắc lắm vẫn đứng lên gánh đi chỗ khác. Tối đó về thằng nhỏ đạp quá trời, chắc mẹ chạy nhiều, con cũng mệt theo. Được cái chạy nhiều hình như dễ đẻ, tôi đẻ con đứa nào cũng khỏe, cứ sáng vô Từ Dũ là trưa đẻ ngay”.
Thúng xôi nuôi chục đứa con nên người
Ngày hai vợ chồng bà Kiệm theo hàng xóm cùng quê di cư vào Sài Gòn năm 1954, đứa con đầu lòng mới được một tháng tuổi, còn đỏ hỏn trên tay. Chồng làm phụ hồ, vợ nấu xôi bán, túc tắc dành dụm cũng đủ sống qua ngày. Từ mờ sáng tinh mơ, bà Kiệm đã đội thúng xôi nóng bỏng đầu từ đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ ngày nay) lên tận ngã tư này để kịp bán cho người đi làm sớm. Hỏi vì sao không chọn chỗ nào gần nhà hơn, bà nói: “Ngày xưa dân cư thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ, chỗ này là trung tâm, đông người qua lại nhất. Với lại, ở đây đông người Bắc, người ta sẽ thích xôi Bắc của tôi. Ngồi riết thành quen, giờ nó như ngôi nhà thứ hai của mình rồi, không muốn dọn đi đâu nữa”.
Mới đó mà đã tròn 60 năm. Từ thúng xôi nóng bỏng đầu, bà Kiệm chuyển sang đôi quang gánh, sau đi xe lam, xe buýt. Đến bây giờ thì có cậu con trai cả và cô con gái thứ hằng sáng chở bà cùng gánh xôi ra góc cũ, cũng vơi phần nặng nhọc. Đồ nghề của bà bao nhiêu năm nay vẫn chừng ấy thứ. Từ cái thúng, cái mẹt, đôi quang gánh, cái nón lá mà bà Kiệm cố gắng gìn giữ qua bao lớp bụi thời gian đều gợi lên cái hồn quê dân dã, mộc mạc. Chỉ có cái muỗng gai lá dứa là bây giờ không còn nữa.
Có lẽ vì cảm nhận được nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ mà con cái bà đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và biết đỡ đần cho mẹ. Đứa lớn cõng đứa nhỏ, đứa canh chừng nồi bắp, đứa đãi đậu, phi hành, xoay vòng như vậy mà 10 đứa con khôn lớn nên người. Ánh mắt của bà Kiệm sáng ngời khi nhắc đến con cái. Bà tự hào khoe, mặc dù mình nghèo khổ vậy đó nhưng con cái đứa nào cũng có nghề nghiệp đàng hoàng, đứa làm cô giáo, đứa làm y tá…, đứa nào cũng hiếu thảo với cha mẹ, sống hòa thuận với nhau. Giờ ai cũng có gia đình riêng, chỉ có chị con gái thứ bảy không chồng con thì ở cùng, phụ giúp bà chăm nom gánh xôi.
Nhân chứng sống của lịch sử…
Khách ghé gánh xôi của bà đầu tiên là người Bắc, nhấm nháp hương vị Bắc để nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Sau này cái mùi thơm phức, béo ngậy ấy cũng quyến rũ cả người miền Nam bản xứ và người miền Trung nhập cư.
Nhiều khách Việt kiều sau bao năm xa quê cũng quay trở lại tìm gánh xôi của bà Kiệm và ôn lại kỷ niệm xưa. Anh Văn, một Việt kiều Mỹ từng gắn bó với gánh xôi của bà suốt thời niên thiếu cho biết: “Vừa về đến nhà là tôi hỏi ngay con gái xem gánh xôi bà Kiệm còn không. Sau khi đi thăm bà con, dòng họ xong, tôi đến thưởng thức cái hương vị Bắc này liền. Bao nhiêu năm vẫn là cái vị bùi bùi, béo ngậy, cái mùi thơm phức này. Tôi thèm cái món này lắm”. Rồi hai người, một già, một không còn trẻ ngồi hồi tưởng lại những năm tháng cũ. Không chỉ người dân lao động, sinh viên, học sinh, giới văn phòng, những người dân Sài Gòn đi biểu tình hồi chế độ cũ, những anh bộ đội tiếp quản thành phố… một thời cũng từng là khách quen của hàng xôi nhà bà Kiệm.
Như một nhân chứng sống của lịch sử, cuộc đời bà Kiệm như cuốn phim ghi lại những thời khắc còn sống mãi với thời gian. Chính vì thế, không chỉ phóng viên trong nước mà cả phóng viên quốc tế cũng đến để ghi lại cuốn phim cuộc đời qua những câu chuyện kể của bà. Một số phóng viên nước ngoài còn đến tận nhà xin ngủ nhờ qua đêm để sáng sớm tinh mơ thức dậy cùng bà đồ xôi, rồi theo bà ra tận cái ngã tư thân thuộc. Họ khâm phục tấm lòng và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ qua bước đi khoan thai dưới đôi quang gánh nặng trĩu. Bà Kiệm cười một cách tự hào: “Cả đời tôi chỉ biết bán xôi, ai ngờ lại được lên báo nhiều thế. Dù không có tiền đi nước ngoài nhưng nước nào cũng có mặt tôi rồi đấy nhé!”.
Chợt nghĩ nếu mai này đi qua đây không còn thấy cái gánh xôi và bà cụ già tóc bạc trắng ngồi tỉ mỉ lau từng chiếc lá chuối xanh, chắc sẽ có nhiều người thấy bâng khuâng, trống trải lắm!
SÔNG TRÀ
Đời tôi bao nhiêu đắng cay, cực nhọc tôi cũng đã nếm trải hết rồi, giờ nhắm mắt cũng yên lòng. Chỉ lo không biết con gái tôi có yêu thương cái gánh xôi này mà gắn bó với nó tiếp không thôi. Bà KIỆM, người hơn 60 năm bán xôi trên vỉa hè Sài Gòn |