Gặp người bắn máy bay giải vây cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

(PLO)- Sau ngày hoà bình lập lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông Võ Ngọc Quang khẩu súng K59 để làm kỷ niệm cho người chiến sĩ đã dũng cảm bắn máy bay địch nhằm đánh lạc hướng cho cố Thủ tướng cùng đồng đội chạy thoát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Võ Ngọc Quang (88 tuổi, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Cửu Long) vừa tặng Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long một kỷ vật là cây súng K59 do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng (23-11-1922).

Khẩu súng K59 của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông Võ Ngọc Quang. Ảnh: HD

Khẩu súng K59 của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông Võ Ngọc Quang. Ảnh: HD

Nhớ lại lịch sử đặc biệt của khẩu súng, ông Quang kể, như bao thế hệ thanh niên khác, vào năm 14 tuổi, ông xung phong tòng quân đấu tranh bảo vệ đất nước. Vào năm 1962, trong lúc hoạt động ở rừng U Minh (Cà Mau), ông tình cờ được gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này là Ủy viên Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định với bí danh Tám Thuận) và ông Đồng Văn Cống (lúc này là tư lệnh quân khu).

“Dù là lãnh đạo nhưng anh rất gần gũi hỏi thăm các anh em. Khi biết được tôi quê ở Cái Nhum, Vĩnh Long thì anh Kiệt vui mừng nói anh cũng ở Vũng Liêm, Vĩnh Long. Nhưng không ngờ sau đó anh Kiệt lại đề nghị kết nghĩa anh em với tôi rồi cả 2 xem nhau như anh em ruột” – ông Quang nói tiếp.

Ông Võ Ngọc Quang nhớ lại chuyện bắn máy bay đánh lạc hướng cứu cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HD

Ông Võ Ngọc Quang nhớ lại chuyện bắn máy bay đánh lạc hướng cứu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HD

Sau đó, ông Quang được rút về làm nhiệm vụ ở đội phòng thủ quân khu. Trong một lần ông mang cây súng ra bìa rừng quan sát hướng về Vịnh Thái Lan thì phát hiện có một chiếc máy bay phản lực đang lượn quanh.

“Sau đó chiếc máy bay này đã bay đến và phóng 1 quả pháo cách nơi anh Tám Thuận đang ở chỉ vài trăm mét. Tôi chạy đến thì thấy anh và anh Đồng Văn Cống đang nằm tránh đạn dưới cây mắm. Còn cây súng dài đang treo trên cây nên 2 anh lấy không tới. Tôi ra bắn máy bay đánh lạc hướng cho 2 anh chạy thoát. Trong lần đó, có 3 đồng chí hi sinh, còn tôi thì may mắn trở về” - ông Quang nhớ lại.

Ông Võ Ngọc Quang nhớ lại chuyện bắn máy bay đánh lạc hướng cứu cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HD

Ông Võ Ngọc Quang xem lại Bằng khen do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký khen tặng. Ảnh: HD

Sau đó, theo ông Quang, đến những năm 1982 - 1983, ông có dịp thăm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì bất ngờ nghe ông nhắc đến chuyện bắn máy bay. Dịp này, cố Thủ tướng đã tặng ông Quang khẩu súng K59 làm kỷ niệm. Từ đó, cây súng được ông Quang cất giữ cẩn thận xem như một bảo vật vô giá.

Ảnh và tư liệu cuộc đời cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

Ảnh và tư liệu cuộc đời cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Nguồn: Ban Tuyên Giáo tỉnh Vĩnh Long

Dù cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất hơn 10 năm nay nhưng hình ảnh giản dị, hiền từ của cố Thủ tướng vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Quang.

“Dù ở cương vị Thủ tướng nhưng anh không che giấu, ngần ngại nói về xuất thân của mình. Có lần anh nói rằng “Em ơi! Hồi đó gia đình anh nghèo lắm, anh cũng phải đi ở đợ cho người ta nên anh hiểu hết cái khổ của người dân và anh rất thương bà con mình, việc gì tốt cho dân là anh phải làm”. Tôi thương ảnh nhất ở điểm này” - ông Quang chia sẻ.

Ông Quang còn cho biết cố Thủ tướng rất thích ăn món cá chạch kho nghệ, mỗi lần người anh kết nghĩa về Vĩnh Long là ông lại làm món này. Từ khi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất đến nay, mỗi khi lễ, giỗ, ông Quang luôn cho làm món cá chạch kho nghệ trên mâm cúng.

Ông Phan Văn Giàu – giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long cho biết, hôm nay (17-11) tỉnh sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia các địa điểm lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gồm khu lưu niệm Võ Văn Kiệt, đình Bình Phụng.

Đình Bình Phụng được tạo lập vào năm 1920, bằng tre lá đơn sơ, thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh và những bậc tiền nhân có công với làng xã.

Cuối năm 1940, thực dân Pháp đàn áp phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa, lục soát ngôi đình và bắt đi hơn 20 nghĩa quân, đốt 42 căn nhà khiến gần 300 dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Sau Cách mạng tháng 8-1945, đình được cựu nghĩa quân Phan Văn Hòa (tên khai sinh của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt) sử dụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã để hội họp dân làng, tuyên truyền vận động nổi dậy kháng chiến chống Pháp.

đình bình phụng

Đình Bình Phụng vừa được xếp hạng là Di tích quốc gia các địa điểm lưu niệm cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HD

Cuối năm 1946, đình bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1955, đình được dựng tạm cách nền đình cũ khoảng 400m và năm 1994, đình dời trở về vị trí ban đầu.

Vào năm 2002 nhân kỷ niệm 62 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã vận động chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau xây dựng lại đình Bình Phụng trên diện tích 3.050 m2. Trong sân đình có một bia sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 do cựu nghĩa quân Phan Văn Hòa phụng lập.

Hằng năm đình có hai lễ cúng chính là Lễ Hạ Điền ngày 17-3 âm lịch và Thượng Điền 17 tháng chạp âm lịch.

Đình Bình Phụng được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm