Gặp trẻ bị bỏ rơi, xử lý sao?

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ sơ sinh bị người mẹ trốn viện bỏ rơi hoặc để bên lề đường được phát hiện tại Bình Dương.

Cụ thể, sáng 2-7 người dân khu phố 2, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương nghe tiếng khóc trẻ nhỏ trong bụi hoa giấy ven đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Mọi người tới kiểm tra thì thấy một bé trai vừa mới sinh, còn dây rốn được quấn trong một chiếc khăn cũ.

Hay như trước đó cuối tháng 6-2019, bệnh viện Phụ sản nhi Bình Dương cũng ra thông báo tìm một sản phụ quê Quảng Bình, tạm trú tại thị xã Thuận An, Bình Dương sau khi nhập viện sinh được một bé gái nặng khoảng 2,9 kg đã trốn viện.

Thương tâm hơn, ngày 28-6, tại phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, người dân phát hiện một thai nhi bị bỏ trong một thùng rác trong tình trạng đã tử vong.        

Trước những sự việc trên, câu hỏi mà nhiều bạn đọc quan tâm là nếu vô tình thấy trẻ bị bỏ rơi, họ sẽ báo với cơ quan nào và trong trường hợp nếu muốn nhận đứa trẻ làm con nuôi, họ phải tiến hành các thủ tục gì theo luật định?

Bé trai được tìm thấy trong bụi hoa giấy ven đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Sau khi đươc cho bú sữa, chăm sóc, bé trai đã không còn quấy khóc. Ảnh: LÊ ÁNH

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Điều 14 Nghị định 123/2015 (hướng dẫn luật hộ tịch) quy định người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng.

Sau khi lập biên bản UBND xã phải tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Nếu hết thời hạn niêm yết mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trong trường hợp này cán bộ đăng ký ghi nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Nếu cá nhân nào muốn nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc…

Về thủ tục nhận nuôi con nuôi, bên nhận nuôi phải nộp hồ tại UBND cấp xã mình thường trú. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận nuôi con nuôi, bản sao hợp lệ CMND, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân…

"Ngoài ra hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh của cha mẹ dù vì lý do gì đi chăng nữa đều là hành vi đáng lên án và cần phải ngăn chặn. Hành vi vứt bỏ con đẻ có thể bị xử lý hình sự về tội Giết hoặc vứt con mới để theo Điều 124 Bộ luật Hình sự hiện hành nếu có đủ căn cứ và cấu thành tội thành"- LS Tuấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.