Công an tỉnh Bình Phước đang xem xét hồ sơ vụ tố giác tội phạm của ông Lê Văn Tích (ngụ huyện Bù Gia Mập). Bốn năm nay ông Tích vẫn miệt mài khiếu nại rằng Công an huyện Bù Gia Mập đã “dân sự hóa” hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà ông là nạn nhân.
Giả chữ ký sang nhượng cổ phần
tháng 10-2012, ông Tích gửi đơn đến Công an huyện Bù Gia Mập tố giác bà NTT giả mạo chữ ký của ông để sang nhượng phần vốn góp của ông tại Công ty TNHH TH, sau đó bán cả công ty này cho người khác lấy tiền bỏ túi riêng.
Vào cuộc, Công an huyện Bù Gia Mập xác minh năm 2009, ông Tích (chủ DNTN TH, chuyên khai thác đá xây dựng) tìm gặp bà T. kể chuyện làm ăn thua lỗ không có tiền trả nợ và thuyết phục bà T. góp vốn, còn mọi việc kinh doanh ông Tích sẽ chịu trách nhiệm. Ông Tích cũng cho bà T. biết tài sản của DNTN TH gồm 2 ha đất để khai thác đá, một ô tô, một con đường và toàn bộ giấy tờ khai thác đá.
bà T. đồng ý và đưa cho ông Tích 890 triệu đồng góp vốn. Sau đó, bà T. phát hiện ông Tích đã khai thác hết 0,5 ha đất, chỉ còn lại 1,5 ha đất, con đường thì mượn và giấy tờ khai thác đá cũng đã thế chấp cho người khác. Bà T. bèn yêu cầu ông Tích trả lại tiền nhưng ông Tích không trả được.
Bà T. bèn mua lại 2 ha đất này, đồng thời mua thêm 1 ha đất mới khác. Tiếp đó, hai bên thỏa thuận thành lập Công ty TNHH TH gồm hai thành viên là ông Tích và ông M. (người được bà T. ủy quyền giữ chức giám đốc, chỉ có trách nhiệm quản lý công ty, còn các vấn đề tài chính, kinh doanh thì bà T. chịu trách nhiệm). Công ty mới này có vốn điều lệ 5 tỉ đồng, phía bà T. góp 3,5 tỉ đồng (tương ứng 70%)...
Quá trình kinh doanh sau đó của công ty gặp khó khăn nên ông M. đã nhiều lần mời ông Tích về giải quyết việc bán toàn bộ tài sản của công ty nhưng ông Tích không có mặt. Công an xã cũng xác nhận trong thời gian này ông Tích không có ở địa phương. Để bán được toàn bộ tài sản của công ty thì bắt buộc phải có đầy đủ thành viên góp vốn nên bà T. đã tự ký tên của ông Tích nhằm sang nhượng cổ phần của ông Tích, sau đó bán toàn bộ tài sản của công ty cho người khác.
Công an huyện Bù Gia Mập nhận định bà T. có hành vi giả mạo chữ ký của ông Tích để sang nhượng cổ phần của ông rồi bán toàn bộ tài sản của công ty cho người khác. Hành vi của bà T. là sai nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên không có dấu hiệu phạm pháp hình sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của công an huyện. Từ đó, công an huyện trả lời ông Tích là có gì thắc mắc thì khởi kiện ra tòa...
Ông Lê Văn Tích, người khiếu nại bị “dân sự hóa” hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: H.YẾN
Mất cả nhà lẫn phần vốn góp?
Không đồng ý, ông Tích không khởi kiện mà khiếu nại khắp nơi, trình bày nhiều nội dung khác hẳn xác minh của Công an huyện Bù Gia Mập.
Theo ông Tích, khi ông kinh doanh gặp khó khăn, ông có nhờ bà T. đáo hạn ngân hàng số tiền 1,7 tỉ đồng. Bà T. yêu cầu ông phải chuyển cơ sở kinh doanh từ DNTN TH sang thành Công ty TNHH TH và để người thân của bà là ông M. làm giám đốc, nắm giữ 70% tỉ lệ vốn công ty. Sau đó, do ngân hàng không cho ông Tích vay tiếp nên ông không có tiền trả bà T., dẫn đến việc bà T. khởi kiện ông đòi lại 1,395 tỉ đồng (ông đã trả cho bà T. được 305 triệu đồng).
Tháng 7-2012, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm vụ kiện này, buộc ông Tích phải trả cho bà T. 1,395 tỉ đồng tiền vốn vay và 153 triệu đồng tiền lãi. Bà T. sau đó đã yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản là căn nhà mà gia đình ông đang sinh sống để trả hết hoàn toàn số nợ của ông.
Bị mất căn nhà để thi hành án, ông Tích đưa gia đình về khu bãi đá của Công ty TH sinh sống. Ông cho rằng mình không hề hay biết việc bà T. đã giả mạo chữ ký của ông để sang nhượng phần vốn góp của ông tại Công ty TH, giả mạo chữ ký của ông để lập bản điều lệ mới của công ty với nội dung đã đưa cho ông 1,5 tỉ đồng, sau đó bán toàn bộ tài sản của công ty cho người khác.
Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với Công an huyện Bù Gia Mập. Ông Nguyễn Văn Tốt (Trưởng Công an huyện Bù Gia Mập) cho biết vụ việc này trước đây do một lãnh đạo cũ của công an huyện giải quyết, nay vị lãnh đạo này đã về hưu. Đối với khiếu nại của ông Tích, ông đang cho rà soát, xem xét lại toàn bộ hồ sơ để có hướng giải quyết chính xác. Ngoài ra, ông Tốt cũng cho biết vụ việc đang được công an tỉnh thụ lý, xem xét giải quyết cho ông Tích theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
“Nói không chiếm đoạt là chưa thỏa đáng” Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét kết luận trước đây của Công an huyện Bù Gia Mập về trường hợp của ông Tích là chưa thỏa đáng. Theo Luật Doanh nghiệp, ông Tích là một thành viên của Công ty TNHH TH, có quyền định đoạt cũng như chịu trách nhiệm về phần vốn góp của mình. Hành vi của bà T. giả chữ ký ông Tích để bán phần vốn góp, giả chữ ký lập bản điều lệ mới có nội dung đã đưa cho ông Tích 1,5 tỉ đồng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đồng tình, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nói: “Hành vi giả chữ ký sang nhượng cổ phần của ông Tích rồi bán toàn bộ tài sản của công ty để làm gì nếu không nhằm mục đích chiếm đoạt phần tài sản của ông Tích? Ông Tích không hề biết việc này, cũng không được nhận 1,5 tỉ đồng như bản điều lệ mới giả mạo chữ ký của ông. Vậy nếu không bị ai chiếm đoạt thì số tiền bán cổ phần của ông Tích đi đâu?”. |