Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp thông tin cho Công an quận 8 (TP.HCM) xác minh về hai người đàn ông tự nhận là công an phường, cán bộ phường đến các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận 8 kêu gọi người dân mua vé ủng hộ ngày thương binh, liệt sĩ.
Qua kiểm chứng, Công an quận 8, TP.HCM khẳng định nhóm người trên là giả mạo. Hiện các đơn vị nghiệp vụ liên quan Công an quận 8 đang trích xuất camera, thu thập lời khai các nhân chứng và truy xét hai người trên.
Lúc xưng công an, khi xưng an ninh trật tự
Trước đó, trên địa bàn quận 8 xuất hiện hai người đàn ông giả mạo công an, cán bộ phường kêu gọi người dân mua vé xem ca nhạc, quyên góp tiền để ủng hộ ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 sắp tới. Mỗi vé bán ra là 200.000 đồng.
Chị VTĐD, trú phường 6, cho biết đầu giờ chiều 29-5, có hai người đàn ông đi xe máy tới cửa hàng của chị trên đường Phạm Thế Hiển hỏi thăm tình hình kinh doanh rồi đề nghị quyên góp.
“Tôi đã chuẩn bị tiền để đưa cho họ nhưng thấy các thông tin không khớp với nhau nên tôi mới kêu đứng đợi để gọi chủ nhà. Vì tôi mới kinh doanh nên không biết mặt ai ở phường. Tôi mới nói tới đó, hai anh liền nói lại “thôi để lên phường ủng hộ đi. Tụi em đi”” - chị D. kể lại vụ việc.
Cũng theo chị D., hai người này nhanh chóng rời đi nên chị nghi ngờ là kẻ giả mạo cán bộ nhà nước. Chị D. sau đó đã gọi điện thoại cho Công an phường 6, quận 8 để trình báo sự việc.
Hai người tự xưng là công an, cán bộ phường ép người dân mua vé xem ca nhạc. Ảnh nhỏ: Vé xem ca nhạc. Ảnh: TỰ SANG
“Tôi gọi cho Công an phường 6 thì được công an thông báo là trên địa bàn phường hiện không có chương trình nào như trên, nếu có thì phường sẽ thông báo về tổ khu phố. Trong giờ hành chính, công an phường sẽ không đi kêu gọi, vận động như vậy” - chị D. thông tin.
Theo hình ảnh camera ghi lại, hai người đàn ông trên cao khoảng 1,67 m đến 1,7 m, ngoài 40 tuổi. Hai người này nói chuyện rất thân thiện, tự nhiên, nói rất nhanh và lưu loát để lấy lòng tin của người dân.
Đặc biệt, hai người này còn liên tục thay đổi nghề nghiệp, lúc xưng công an, khi tự nhận mình bên an ninh trật tự và cả bên UBND phường.
Dúi vé vào tay ép người dân mua
Tương tự chị D., chị NTKH (quận 8) tỏ ra khá lo sợ khi tiếp xúc với PV, chị H. yêu cầu PV bảo mật thông tin cá nhân để không bị trả thù khi cung cấp thông tin.
Theo chị KH, ngày 3-6, cũng hai người đàn ông xưng Công an quận 8 tới kêu gọi chị mua vé ca nhạc ủng hộ ngày 27-7.
Thấy giá vé khá cao, chị KH từ chối mua nhưng cả hai liên tục chèo kéo, chị buộc phải mua thì họ mới chịu rời đi.
Một cửa hàng trên địa bàn phường 7 cũng đã xảy ra sự việc tương tự. Chị H., chủ cửa hàng này cho biết ngày 22-5, hai người đàn ông xưng là công an và cán bộ đô thị của phường đến để kiểm tra tình hình kinh doanh cửa hàng.
“Sau đó họ không kiểm tra mà nói rằng đang tổ chức chương trình kỷ niệm ngày 27-7, kêu gọi tôi mua vé để ủng hộ. Họ tự dúi vào tay tôi một xấp rất nhiều vé. Tôi nói tình hình kinh doanh của cửa hàng đang khó khăn, nên chỉ ủng hộ nhà nước được một vé thôi. Lấy tiền vé xong, họ tỏ vẻ bực tức rồi lên xe đi luôn” - chị H. bức xúc.
Theo người dân, hai người đàn ông mà họ tiếp xúc đều đi xe tay ga. Họ thường nhắm vào những hộ gia đình trẻ, mới kinh doanh buôn bán và chưa có nhiều kinh nghiệm.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Việc các đối tượng giả danh cán bộ nhà nước nhằm buộc các hộ dân mua vé ca nhạc là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt về hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 BLHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu các đối tượng này ngoài việc giả danh cán bộ còn làm giả thêm giấy giới thiệu, thông báo hoặc trên vé có dấu mộc giả của cơ quan nhà nước, thì sẽ bị xem xét xử lý thêm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS. Luật sư ĐỖ TRÚC LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM |