Sau bài viết “Giá đất vùng ven ‘nóng bỏng tay’” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19-4, hàng loạt bình luận bạn đọc gửi về cho thấy nỗi lo lắng xen lẫn hào hứng của cả giới đầu tư và người dân.
Có thể nói hiện tượng sốt giá đất đang có thật ở nhiều khu vực như Bình Chánh, Hóc Môn, quận 2, quận 9…vì nhiều lý do. Tuy nhiên, đây là thực tế bền vững hay chỉ là một quả bong bóng đang được thổi mỗi lúc một căng là chuyện phải bàn.
Nhà đất luôn luôn tăng
Ở các quận, huyện vùng ven thành phố giá đất bắt đầu ấm dần lên từ năm ngoái. Đến đầu năm 2017 thì mức độ “leo thang” càng khiến người dân có đất lẫn người mua như ngồi trên đống lửa. Với mức tăng lên đến 300%, nhiều người vẫn cho rằng đó là bình thường.
Độc giả Thuy Thi Pham cho rằng: “Người càng ngày càng nở, còn đất thì không” đó là lý do khiến đất đai ngày càng tăng giá. Từ miếng đất nhỏ mấy chục mét vuông đến hàng hecta, “chừng nào người ngừng đẻ... thanh niên ngừng kết hôn thì đất ngừng tăng”, bạn Tam Minh hài hước nói.
Đất dự án cũng đang tăng giá rất nhanh ở nhiều quận huyện vùng ven. Hình minh họa
Theo nhóm bạn đọc này, hiện tượng giá đất tăng cao là tất yếu, khách quan chứ không phải bị thổi giá như nhiều người e ngại. “Thế nào gọi là giá trị thực. Giá đất quận 1 vào những năm 80 chỉ vài chục lượng vàng. Giờ thì sao? Nhu cầu con người ra cả. Người dân đa số ít tiền thì họ ra vùng ven thôi, không có gì là ảo”, bạn Cao Van phân tích.
Một số bạn đọc như Bình Sơn, Tấn Thành, Thu Thủy…còn đưa ra nhiều phân tích rất khoa học liên quan đến tổng thể nền kinh tế, sự mất giá của đồng tiền, tác động của kinh tế Mỹ, các chính sách tài chính trong nước… đề kết luận “có tiền tất nhiên sẽ giữ ở bất động sản.”
Chính vì vậy cuộc chạy đua giá vẫn đang hồi sôi động, người bán hoang mang còn người mua thì nóng ruột. Trước diễn biến phức tạp, thật khó nói bên nào mới là người thực sự có lợi trong cơn sốt đất.
Cơ hội càng lớn nguy cơ càng nhiều
Ngược với luồng ý kiến trên, một nhóm đông bạn đọc tỏ ra tỉnh táo, bình tĩnh vì cho rằng cái gì nóng quá cũng có mặt trái của nó.
Đáp lại ý kiến cho rằng do hệ thống đường sá phát triển từng ngày, kết nối vùng ven quá tốt nên giá leo thang là đúng, bạn Văn Long nghi ngờ: “Ngồi bàn giấy lúc nào cũng nói đúng, ra thực tế mới thấy. Dự án cầu đường bây giờ có đến trăm, ngàn tỷ cũng không thấm vào đâu.” Thực tế nhiều dự án cầu đường nghe tiếng đã lâu mà vẫn chưa thấy tăm hơi.
“Thêm thông tin huyện lên quận nên cò đất lợi dụng đẩy giá lên quá cao so với thực tế”, bạn Võ Tá Luân phân tích.
Nhiều người đầu tư đất cũng thừa nhận đây là cơ hội để họ đẩy hàng tồn kho lâu ngày đi chứ không hẳn đó là nhu cầu có thật trong dân.
“Tôi và các bạn cũng vừa bán lại được những lô đất đầu tư cách nay khoảng 10 năm và quyết định rút khỏi khi giá đất tăng nóng. 10 năm nhưng các dự án này vẫn rất hoang vu”, độc giả Việt Thanh cho biết.
Nhiều thông tin nhà đất được chào mời rất xôm tụ
“Chỉ tội những người dân gom góp tích lũy tiền bạc lâu nay, bây giờ chạy theo tâm lý đám đông nhào vô ôm và ngậm” là ý kiến của bạn Hoàng Lê. Đồng tình và có phần mỉa mai, độc giả Nguyễn Xuân bình luận: “Ôm đi găm hàng đi rồi thấy cảnh 2007 hiện về”.
Nhiều người đang muốn nhắc đến cơn sốt đất ảo năm 2001-2002 đã đẩy giá đất lên mức “không thể chịu nổi”. Hậu quả là bất động sản đóng băng kéo dài, đến 2005 giao dịch thành công suy giảm đến 78%. Do đó, lời khuyên của chuyên gia bất động sản chỉ có hai chữ “bình tĩnh” để tránh phải chóng mặt vì chôn vốn, ôm nợ.
Hoàng Lê: “Giới đầu cơ ôm đất 5-7 năm nay rồi, bây giờ tung tin để đẩy hàng đi thôi.” Lê Thị Thu Thủy: “Như quả bóng không biết xì lúc nào”. Võ Tá Luân: “Tiền không đầu tư sản xuất mà chôn vào đất hết, thiệt hại cho xã hội rất là lớn” Việt Thanh: “Đầu tư vào những dự án mới với giá cao như hiện nay nếu muốn bán lại sẽ không dưới 10 năm.” |