Gia đình 3 đời làm lồng đèn trung thu truyền thống ở TP.HCM

(PLO)- Tại xóm lồng đèn Phú Bình ở TP.HCM, có một gia đình đã ba đời làm lồng đèn trung thu truyền thống và hi vọng con cái sẽ tiếp tục gìn giữ nghiệp của cha ông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày này, không khí Tết Trung thu tràn ngập khắp các phố phường. Ở xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11), không khí làm lồng đèn truyền thống càng sôi động hơn bao giờ hết.

Xóm lồng đèn Phú Bình ngập trong sắc đỏ vàng của những chiếc lồng đèn nan tre truyền thống. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Xóm lồng đèn Phú Bình ngập trong sắc đỏ vàng của những chiếc lồng đèn nan tre truyền thống. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Giữ được nghề nhờ trường mầm non, tiểu học

Chị Nguyễn Kim Thu (43 tuổi), chủ một xưởng làm lồng đèn trong xóm lồng đèn Phú Bình cho biết gia đình chồng chị đã ba đời làm lồng đèn truyền thống, đến đời thứ tư là các con chị vẫn tranh thủ thời gian được nghỉ học sẽ phụ mẹ làm.

Mô hình lồng đèn khổng lồ xưởng chị Thu làm cho khách đặt. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mô hình lồng đèn khổng lồ xưởng chị Thu làm cho khách đặt. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Được biết trước kia chị Thu là thợ may. Từ khi lấy chồng, thấy mẹ chồng làm lồng đèn, chị cũng bắt chước làm theo. “Ban đầu cũng không ai dạy gì cả. Mình thấy ai làm cái gì thì nhào vô bắt chước làm theo cái đó. Mới đầu làm không được đẹp, từ từ rồi mới đẹp được” - chị Thu nói.

Hiện tại, anh chị em nhà chồng chị Thu ai cũng nối nghiệp làm lồng đèn trung thu truyền thống, mỗi người đều có xưởng riêng. Mỗi xưởng làm những mẫu khác nhau, tạo hình lồng đèn khác nhau.

Chị Nguyễn Kim Thu chăm chú làm trung cho chiếc đèn ông sao. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Nguyễn Kim Thu chăm chú làm trung cho chiếc đèn ông sao. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vừa tất bật làm cho xong các đơn hàng đã đặt trước đó, chị vừa nói, làm lồng đèn khó nhất ở công đoạn chẻ tre và nắn tạo khung.

Tre phải được chẻ đều, cưa và phơi cẩn thận, khéo léo. Thanh tre nhỏ, chẻ không khéo sẽ cắt vào tay hoặc chẻ không đều lồng đèn sẽ không được đẹp. Sau đó là công đoạn dán giấy bóng lên khung, vẽ và trang trí. Công đoạn trang trí lồng đèn yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo tay.

Công đoạn chẻ tre trong làm lồng đèn là khó nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Công đoạn chẻ tre trong làm lồng đèn là khó nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Công việc chính của tôi là bán bún bò. Đến mùa trung thu, cả nhà mới tập trung làm lồng đèn. Nếu đơn dồn dập, làm không kịp, tôi sẽ cho người ta nhận về làm gia công. Hai năm trước, tôi chỉ làm trước nửa tháng. Năm nay đơn nhiều nên ba tháng nay tôi nghỉ bán bún, tập trung làm ngày đêm, có hôm thức đến 3 giờ sáng để kịp giao cho khách” - chị Thu kể.

Đa số lồng đèn của xưởng chị Thu làm ra để bán sỉ, còn dư sẽ bán lẻ. Giá một chiếc lồng đèn dao động từ 20-30 nngàn đồng. Những mùa trung thu trước, xưởng của chị chỉ bán được 5 -7.000 cái. Riêng năm nay bán được khoảng 9-10.000 cái. Theo chị Thu, những năm gần đây, người ta chuộng lồng đèn truyền thống, số lượng bán ra gấp 3 lần 5 năm về trước.

Con chị Thu phụ ba mẹ dán giấy cho lồng đèn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Con chị Thu phụ ba mẹ dán giấy cho lồng đèn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà chủ xưởng làm lồng đèn cho hay, trung thu năm nay không còn giãn cách xã hội, trẻ em được vui chơi trở lại nên lồng đèn bán đắt hàng hơn. Đơn hàng hầu hết là từ các trường mầm non, tiểu học đặt. Các thầy cô đến trực tiếp xưởng để đặt mẫu. Có trường đặt mua dụng cụ, mua khung sẵn để cho HS tự dán giấy bóng, tự trang trí.

“Trung thu là tết thiếu nhi. Hầu hết các cháu chơi trung thu trong trường học. nên chúng tôi bán được nhiều. Còn bán lẻ sẽ rất chậm, sợ sẽ không trụ được. Mong dịch bệnh kết thúc, những năm sau này các cháu luôn được vui trung thu, chúng tôi mới bán được lồng đèn, giữ được cái nghề truyền thống này” - chị Thu bộc bạch.

Mong con cái sẽ nối nghiệp truyền thống

Chị Thu cho rằng, đây là nghề được truyền từ đời ông nội chồng chị, đã làm ba đời rồi nên chị sẽ ráng giữ. Nếu sau này thị trường không chuộng nữa, chị sẽ sáng tạo các mẫu đẹp hơn. Dù làm ít lại nhưng chị sẽ cố gắng giữ lại chiếc lồng đèn làm từ nan tre từ xa xưa.

Em chồng chị Thu tỉ mi vẽ trang trí cho lồng đèn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Em chồng chị Thu tỉ mi vẽ trang trí cho lồng đèn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Con tôi hiện vẫn đang đi học, tôi luôn nói với con đây là nghề truyền thống của gia đình, nghề này nuôi tụi con ăn học. Sau này có làm gì làm, cố gắng giữ nghề để mỗi trung thu trẻ em có lồng đèn truyền thống mà chơi", - chị Thu Tâm sự.

Công đoạn vẽ yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo tay. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Công đoạn vẽ yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo tay. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Trần Thị Ánh Tuyết (ngụ Tân Phú) ghé xưởng lồng đèn của chị Thu lấy 300 cái đủ hình dáng đã đặt từ trước để tổ chức đêm trung thu cho thiếu nhi ở phường. Chị cho biết năm nào cũng ra xóm này đặt mua lồng đèn vì gần nhà và giá thành cũng phải chăng.

Với chị Tuyết, ngày xưa không có đèn nhựa, chị luôn mê chiếc lồng đèn nan tre này. Bây giờ dù có đủ loại đèn Trung Quốc nhưng chị vẫn thích cho trẻ chơi lồng đèn truyền thống hơn.

Trẻ em háo hức khi được chơi lồng đèn đủ hình dáng, màu sắc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trẻ em háo hức khi được chơi lồng đèn đủ hình dáng, màu sắc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Chúng tôi muốn cho các bé trải nghiệm cách làm lồng đèn. Nếu mua lồng đèn nhựa Trung Quốc thì các bé đâu có được tự tay làm. Các bé vừa rước đèn ông sao vừa có thể hiểu được ý nghĩa của trung thu truyền thống. Đèn ông sao này đi với đèn cầy mới đúng nghĩa.” - chị Tuyết vui vẻ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm