Gia đình bị cáo bồi thường: Có nên giảm nhẹ?

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, tuyên phạt Nguyễn Văn Toàn từ tù chung thân xuống 20 năm tù về tội giết người.

Được giảm nhẹ nhờ gia đình

Toàn là sinh viên năm hai của một trường đại học, sống cùng vợ và em vợ. Sau khi uống rượu cùng bạn bè, Toàn đã quậy vì vợ và em vợ không ai dọn cơm cho mình ăn. Được một lúc, Toàn lao tới, dùng dao đâm chết em vợ.

Theo HĐXX, tại phiên tòa xuất hiện nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại và được bãi nại… nên tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Một vụ khác, do ngủ gật nên Võ Hoàng Ân đã để xe tải cán chết ba người. TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Ân năm năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tòa nhận định sau tai nạn, gia đình bị cáo Ân đã bồi thường, hỗ trợ gia đình các nạn nhân 180 triệu đồng. Đây là tình tiết giảm nhẹ nên tòa đã tuyên án nhẹ như trên.

Còn mới đây, TAND huyện An Phú (An Giang) vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Tiếng sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Theo cáo trạng, Tiếng đã hai lần cắt trộm hơn 50 m dây cáp quang viễn thông, đốt lấy dây đồng đem bán. Ngày 6-2, Tiếng bị bắt quả tang khi tiếp tục cắt trộm hơn 40 m cáp viễn thông. Tổng giá trị tài sản trộm cắp hơn 11 triệu đồng.

HĐXX xét Tiếng thành khẩn khai báo, mới phạm tội lần đầu, nhân thân tốt và gia đình bị cáo đã nộp 3 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả nên tòa quyết định cho bị cáo hưởng mức án nhẹ.

Áp dụng có lợi cho bị cáo

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo” không có trong quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, luật cũng quy định khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án. Thực tiễn xét xử, những tình tiết giảm nhẹ khác thường được tòa ghi nhận là tình tiết: Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công; gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo…

Những người đồng tình với quan điểm này lập luận rằng, dù bị cáo không đứng ra bồi thường, khắc phục hậu quả nhưng sự đóng góp của gia đình bị cáo cũng đã giúp giảm bớt phần nào thiệt hại. Việc góp phần làm giảm bớt thiệt hại, bồi thường cho người bị hại là một hành động tích cực, thể hiện sự hối hận, thành khẩn, ăn năn hối cải. Trong khi đó, mỗi người đều gắn bó mật thiết với gia đình họ. Hành vi của người phạm tội gây ra họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình, người thân... Do vậy, khi gia đình hỗ trợ cho bị cáo thì cần phải ghi nhận và ghi nhận luôn cho bị cáo trên nguyên tắc áp dụng có lợi cho bị cáo. Chưa kể, nhiều trường hợp bị cáo sau khi phạm tội đã bị bắt giam, không có điều kiện để bồi thường, khắc phục hậu quả ngay. Gia đình đã giúp họ làm điều này đôi khi cũng đã thể hiện được mong muốn “cải tà quy chánh” của họ.

Không hợp lý?

Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này là không hợp lý. Bởi lẽ việc gia đình tự nguyện bồi thường không phản ánh thái độ tích cực của bị cáo. Đó chỉ là sự tự nguyện của gia đình, không phải là của bị cáo. Vì vậy, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ sẽ không bảo đảm mục đích của hình phạt.

Ngoài ra cũng phải tính đến trường hợp người phạm tội là người đơn độc, không có gia đình hoặc gia đình họ không có khả năng bồi thường. Cá biệt có gia đình thiếu trách nhiệm đối với người phạm tội thì họ không bao giờ được hưởng tình tiết này. Điều đó đã tạo ra sự không bình đẳng giữa những người phạm tội.

Các ý kiến theo quan điểm này cho rằng không nên xem đây là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì phải có thêm điều kiện là bị cáo phải thể hiện được sự hối lỗi, mong muốn khắc phục hậu quả nhưng gia đình đã làm thay cho bị cáo. Thực tế có nhiều vụ án, bị cáo không thành khẩn, không ăn năn hối cải, chối tội, không có ý định bồi thường, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tòa lại vận dụng tình tiết trên để giảm nhẹ cho bị cáo thì rất khập khiễng, khiên cưỡng làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhờ gia đình bồi thường, được giảm nhẹ

Năm 2009, sau khi uống rượu, Trần Văn Bình đã gây sự, đánh Dương Thành Tám. Mọi người can ngăn, cả hai bỏ đi. Tức tối vì vô duyên vô cớ bị đánh nên Tám hậm hực lấy dao đi tìm Bình nói chuyện phải quấy. Thấy Bình đang ngồi trong quán bi da nên Tám dừng xe, đi vào. Hai bên lại đánh nhau. Tám lấy dao đâm Bình bị thương rồi bỏ trốn, sau đó lại ra đầu thú…

TAND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã phạt Tám một năm tù về tội cố ý gây thương tích. HĐXX nhận định Tám đã nhờ gia đình bồi thường 3 triệu đồng cho người bị hại để khắc phục hậu quả nên tòa giảm nhẹ.

Nên giảm nhẹ khi cùng gia đình bồi thường

Tôi cũng thấy việc áp dụng tình tiết trên đôi khi không hợp lý. Thực tế đúng là đã có vụ bị cáo ra tòa cứ chối đây đẩy nhưng vì trước đó người nhà của bị cáo đã khắc phục hậu quả thay cho bị cáo nên tòa không tuyên nặng.

Tôi cho rằng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên sẽ hợp lý khi bị cáo và cả gia đình phối hợp bồi thường cho nạn nhân. Đơn cử như có một vụ ở Kiên Giang, các bị cáo phạm tội hiếp dâm nhưng được tòa xử dưới khung hình phạt. Một trong các tình tiết giảm nhẹ được tòa áp dụng để xử dưới khung là bị cáo đã tích cực cùng với gia đình bồi thường tổn thất tinh thần cho người bị hại. Trong tình huống này nó thể hiện rất rõ vai trò của bị cáo cũng như gia đình. Tòa xử nhẹ là rất phù hợp.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Vẫn nên coi là tình tiết giảm nhẹ

Tôi lại thấy không có vấn đề gì khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Thực tế có nhiều vụ, tại tòa, tòa còn động viên người nhà bị cáo bồi thường cho người bị hại giúp bị cáo (vì bị cáo không có tài sản) để bị cáo được giảm nhẹ. Đành rằng lỗi là của bị cáo nhưng khi người trong gia đình hỗ trợ để khắc phục thiệt hại cũng phải để cho bị cáo được sự giảm nhẹ chứ không nên bỏ qua, làm thiệt cho bị cáo.

Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk

VŨ THÀNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm