Gia Lai: Nhiều dự án điện gió chưa thể vận hành

(PLO)- Tỉnh Gia Lai vẫn còn một số dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành do vướng hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 21-7, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH, đã có chuyến làm việc với một số tỉnh Tây Nguyên về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Nhiều chính sách chưa đồng bộ

Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk là trung tâm ở khu vực Tây Nguyên, nơi có hầu hết các đường dây 500 kV đi qua. Nhờ có nhiều tiềm năng, nơi đây đã thu hút hàng trăm dự án năng lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có 88 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng quy mô công suất trên 4.347 MW, đã đưa vào vận hành 3.005 MW. Trong đó có 60 dự án thủy điện với tổng công suất gần 2.331 MW, 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp; 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242 MW và 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tham quan Nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H leo, Đắk Lắk. Ảnh: LK

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tham quan Nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H leo, Đắk Lắk. Ảnh: LK

Tương tự, Đắk Lắk cũng được xác định có tiềm năng phát triển công suất trên 10.000 MW điện gió và 16.000 MWp điện mặt trời. Dự kiến giai đoạn 2020-2025, phát triển NLTT đạt công suất 2.000-3.000 MW và giai đoạn 2026-2030 là 3.000-4.000 MW.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết việc đưa vào vận hành các dự án NLTT trên địa bàn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia, đóng góp gần 8 tỉ kWh/năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án gặp không ít vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chính sách về giá điện… đang chờ giải quyết.

Nhằm tránh sự chồng chéo về chính sách, pháp luật về năng lượng, ông Nguyễn Hữu Quế kiến nghị QH chỉ đạo xây dựng và ban hành luật về NLTT hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và đưa các nội dung về NLTT vào trong Luật Điện lực.

Bảo đảm bồi thường, tạo sinh kế cho dân

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, bày tỏ tỉnh Gia Lai vẫn còn một số dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành do vướng hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Đề nghị các bộ, ngành trung ương có những văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai, tạo điều kiện để các dự án này được hoạt động” - ông Niên nói.

Về công tác quy hoạch, ông Vũ Đình Tân, phó đại diện tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam Group, Giám đốc Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H, leo, Đắk Lắk), mong muốn với quy hoạch điện VIII, cần sớm có các hướng dẫn, quy chế đẩy nhanh triển khai các dự án năng lượng và xử lý các vấn đề vướng mắc, tránh chậm trễ các dự án.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường đánh giá tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trong giai đoạn 2016-2021 tại các địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế, tồn tại cần tập trung giải quyết.

Theo ông Cường, với những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền mà địa phương có thể giải quyết thì nên chủ động tập trung để giải quyết. Còn những kiến nghị của địa phương, đoàn công tác ghi nhận và sẽ báo cáo QH để kịp thời tháo gỡ. Trong đó có nhiều dự án điện gió đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại.

Qua đó, tổng thư ký đề nghị các địa phương khi cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án, cần tính đến tính hiệu quả, khả thi nhằm tránh các dự án đứng im, gây lãng phí. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong vùng dự án.•

Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng chưa phát huy hiệu quả

Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư dự án điện gió Ia Le 1 là Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết hai vướng mắc lớn nhất mà đơn vị gặp phải là giá Fit bán điện và khâu giải quyết hỗ trợ, bồi thường trong hành lang cột tháp gió.

Vị này cho biết đơn vị đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng (dự án hơn 4.000 tỉ đồng, 28 trụ điện gió công suất 100 MW) nhưng đến nay chưa phát huy được hiệu quả. Dự án mới vận hành thương mại 14 trụ, gần hai năm nay vướng thỏa thuận giá Fit (theo Quyết định 39 hết hiệu lực ngày 31-10-2021) và bồi thường hành lang tháp gió nên 14 trụ còn lại vẫn nằm chờ, chưa vận hành. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi hành lang cột tháp gió 300 m nên doanh nghiệp liên tục bị người dân khiếu nại dù không làm sai.

“Chúng tôi mong muốn người dân và chính quyền địa phương chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để dự án sớm vận hành. Đồng thời, đơn vị sẽ cam kết hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong hành lang dự án” - đại diện dự án điện gió Ia Le 1 chia sẻ.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho hay thời gian qua việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trên địa bàn thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, một số chính sách, pháp luật ban hành chưa đồng bộ và kịp thời dẫn đến có nhiều vướng mắc, chồng chéo trong thực hiện.

“Đối với phạm vi bồi thường trong hành lang tháp gió 300 m, Chính phủ giao Bộ TN&MT hướng dẫn nhưng nay chưa thấy động tĩnh gì. Riêng dự án điện mặt trời mái nhà không có quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Sở Công Thương… Thực tế, sở thấy các dự án có nhiều sai phạm, lập đoàn kiểm tra thì bị doanh nghiệp phản ứng nói ngành dài tay” - ông Binh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm