Đáng ngạc nhiên, rất nhiều người dân nghèo có vẻ như được hưởng lợi từ những đợt tăng giá lương thực. Trong dài hạn, giá lương thực tăng cao có thể làm tổn thương các nỗ lực xóa đói giảm nghèo toàn cầu, nhưng tin tốt là trong ngắn hạn, người nghèo không phải chịu đựng như chúng ta đã từng lo sợ
Trong 6 năm qua, các nhà lãnh đạo toàn cầu, các nhà phân tích nhận định, giá lương thực tăng cao sẽ đẩy mọi người trên toàn thế giới vào tình trạng nghèo đói hơn.
Trong năm 2010, Tổ chức Lương Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng, giá cả tăng cao đã khiến hơn 1 tỷ dân số thế giới không có đủ lương thực để đáp ứng yêu cầu chế độ ăn uống hằng ngày. Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ước tính lương thực tăng giá từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2010 đã đẩy 44 triệu người vào ngưỡng nghèo đói cùng cực.
Những giả định này dựa trên thực tế là mặc dù phần lớn những người nghèo nhất trên thế giới đều là nông dân nhưng họ phải mua nhiều lúa, gạo... hơn khả năng tự trồng của mình. Do đó, giá lương thực tăng cao chắc chắn sẽ khiến họ đói nghèo hơn.
Phần đông dân chúng ở các nước đang phát triển phải dành tới 50 - 75% thu nhập của họ cho lương thực, thực phẩm, và Oxfam cho biết giá lương thực tăng đột biến sẽ tác động làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng một cách nhanh chóng. Hơn nữa, khi giá lương thực tăng cao, áp lực về bữa ăn hằng ngày sẽ buộc nhiều người phải bán dần tài sản, tư liệu sản xuất, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.
Báo cáo công bố ngày 3/4 của FAO cho biết, những biến động về chính trị và khí hậu đã khiến chỉ số giá lương thực hằng tháng tăng lên 4,4 điểm, chạm ngưỡng 212,8 điểm, tăng 2,3% so với tháng 2 và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2013 tới nay. Tăng mạnh nhất là giá đường, với mức tăng 79%, lên 253,9 điểm, tiếp đến là ngũ cốc tăng 5,2%, lên 205,8 điểm. Từ thực tế này, FAO đã hạ mức dự báo về sản lượng ngũ cốc cung cấp ra toàn cầu trong năm nay xuống còn 702 triệu tấn, thấp hơn 2 tấn so với dự báo đưa ra trước đó. |
FAO ước tính có 842 triệu người trong giai đoạn 2011 - 2013 đã không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng chế độ ăn uống của họ, giảm gần 6% so với giai đoạn 2005 - 2007.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, giá lương thực tăng cao có liên quan đến việc giảm số lượng người nghèo hơn 30 năm qua. Ước tính giá lương thực tăng cao từ giữa những năm 2000 trở đi có thể làm giảm số lượng người nghèo đói cùng cực khoảng 87 - 127 triệu người.
Những phân tích dựa trên giả định việc người nghèo không đủ khả năng mua lương thực khi giá tăng cao đã không tính đến tác động của giá lương thực lên tiền lương. Tại rất nhiều nơi, giá lương thực tăng nhưng lại giúp người nghèo kiếm được nhiều tiền hơn. Chẳng hạn, ở Bangladesh, tiền lương của lao động tại nông thôn được điều chỉnh theo giá lương thực tăng khoảng một phần ba từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2010.
Tuy nhiên, vẫn còn lý do để lo lắng. Nhiều người dân nông thôn và cả lao động thành thị không được tăng lương theo kịp lạm phát. Hoặc dự toán ban đầu về tác động của cuộc khủng hoảng lương thực dựa trên mô hình không hoàn thiện chứ không phải là dữ liệu thực tế.
Trong một nghiên cứu ở Tanzania, dự toán về tỷ lệ đói dao động từ 19 - 68%, tùy thuộc vào phương pháp điều tra. Sự thật là có thể có nhiều hơn 800 triệu người bị đói trên toàn thế giới, nhưng cũng có thể có nhiều hoặc ít hơn rất nhiều.