Theo thống kê của thế giới, chỉ 10% người bệnh thận mạn tính được ghép thận, số còn lại không có người hiến.
Để đáp ứng nhu cầu ghép thận, nạn mua bán thận đã xảy ra trên toàn thế giới và hệ lụy xấu từ việc mua bán thận không chỉ xảy ra trên người bán mà xảy ra trên cả người được ghép.
Ở những nơi không minh bạch, người ghép sẽ được thực hiện rất nhanh để sớm về nhà. Trên đường về nhà, người vừa ghép thận sức khỏe yếu nên dễ nhiễm trùng. Đối với người bán, nếu không được theo dõi sức khỏe sau khi cắt thận thì khả năng trong tương lai dễ bị bệnh và không có tiền điều trị.
Để có thể bổ sung thận cho người cần ghép và ngăn chặn tình trạng mua bán thận, các nhà chuyên môn nghĩ đến chuyện sử dụng thận từ người hiến đã chết.
Có nghĩa là thu nhận thận của người hiến khi chết não lẫn người tim ngừng đập. Việt Nam chỉ mới bắt đầu áp dụng loại hình này.
Ngăn chặn tình trạng buôn bán tạng không phải của một ai mà là của tất cả thành viên trong xã hội. Đặc biệt là những người trong ngành xã hội học, tâm lý học, đạo đức học và những người làm luật, những người chuyên môn.
Vì mong muốn được ghép thận nên người ta nghĩ nhiều cách để thực hiện và một trong những cách đó là dùng tiền để “vận động” người hiến. Tuy nhiên, đa phần người nghèo mới tham gia hiến thận nên đã bài bác chuyện hiến thận phải có tiền. Do vậy, người ta mong muốn xã hội sẽ cùng đóng góp để tất cả người bệnh thận được hưởng quyền lợi giống nhau.
Từ đó, hệ thống điều phối thận phát triển. Trên thế giới, hệ thống điều phối thận phát triển thì 100% kinh phí đều do Nhà nước hỗ trợ, gồm cả kinh phí vận động từ các mạnh thường quân.
Bởi người ta nhận thấy người bệnh thận nếu không được ghép, cứ điều trị bình thường thì chi phí phải trả cho việc điều trị gấp năm lần so với người được ghép. Và chính phủ phải đầu tư cho chuyện phát triển chương trình ghép thận từ người hiến chết.
Ghép thận từ người chết có nhiều cái lợi là tránh nguy cơ mắc bệnh cho người hiến, không phải tốn chi phí chăm sóc sức khỏe cho họ...
Chuyện giả mạo hồ sơ ghép thận là có và trước đây không ma mãnh, tinh vi như bây giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới yêu cầu chính các bác sĩ phải cảnh giác.
Tại BV Chợ Rẫy, khi tiếp cận người hiến và người nhận thì bác sĩ sử dụng “cặp mắt thứ ba” để nhìn, để đánh giá thật hay không thật.
Người ta làm giả từ giấy khai sinh tới hộ khẩu và nhiều giấy tờ khác rất tinh vi nên bác sĩ khó dùng “cặp mắt thứ ba” để phát hiện. Do vậy, bác sĩ chỉ biết làm hết sức mình vì khó phát hiện giả mạo giấy tờ.
Có một trường hợp ở Đồng Tháp làm giả từ phả hệ tới mộc đỏ rất chỉn chu. Tuy nhiên, do nghi ngờ nơi sinh sống và địa chỉ của người hiến nên BV điện thoại đến công an địa phương và nhận được phản hồi thông tin không chính xác. Do đó, BV từ chối thực hiện. Hồ sơ về mặt pháp lý rất hoàn chỉnh nhưng nếu không cảnh giác thì dễ lọt lưới.
Cũng có trường hợp nghi ngờ giấy chứng nhận kết hôn giả mạo nên BV Chợ Rẫy nhờ địa phương xác nhận. Kết quả địa phương báo không cấp giấy chứng nhận đó nên BV không tiếp nhận trường hợp này.
Hiện quy định chỉ cho phép ghép thận người cùng huyết thống. BV Chợ Rẫy ghép cho khoảng 95% trường hợp cùng huyết thống, những trường hợp còn lại là ghép thận của người đã chết.
(*) Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy