Quận 2, quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường nhà biệt thự, nhà liền kề. Quận 2, quận 4, quận 6, quận 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân... là nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường căn hộ chung cư. Quận 9, quận 12, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn có nguồn cung lớn đất nền nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, giá BĐS tăng trung bình 5%-6% so với năm 2014. Cá biệt có dự án, có vị trí căn hộ giá tăng 10%-15%. Trong đó, căn hộ bình dân có mức tăng giá thấp nhất (chỉ khoảng 2%), căn hộ trung bình có mức tăng giá khoảng 5%, căn hộ trung bình khá có mức tăng giá khoảng 5%-8%, căn hộ cao cấp có mức tăng giá cao nhất khoảng 5%-15%.
Người mua nhà trong năm 2015 tăng mạnh, đẩy giá nhà tăng theo.
Qua khảo sát của hiệp hội, có ba chủ thể tác động trực tiếp đến việc tăng giá bán trên thị trường BĐS: (Chủ đầu tư phát triển dự án BĐS thường tăng giá bán qua mỗi đợt chào bán sản phẩm; sàn giao dịch và nhà môi giới tăng giá bán; nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại) tăng giá bán để kiếm lời.
Ông Châu cho rằng để hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá ảo làm méo mó thị trường, đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách, cơ chế và công cụ tác động đến các chủ thể nói trên để giúp cho thị trường BĐS phát triển bền vững và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Hiệp hội đã khuyến nghị các chủ đầu tư phát triển dự án BĐS phải luôn coi trọng công tác xây dựng uy tín thương hiệu, gắn bó lợi ích hữu cơ với khách hàng và đối tác, trong đó có việc định mức lợi nhuận mục tiêu và xây dựng giá bán sản phẩm hợp lý của từng dự án.
Theo thống kê của 36 dự án BĐS tại TP.HCM, năm 2012 có 14.490 căn hộ tồn kho, tính đến hết năm 2015 đã bán được 11.088 căn, số lượng tồn kho còn 3.402 căn, giảm 76,5% so với cuối năm 2012.