Dạo quanh một vòng thị trường địa ốc TP.HCM, dễ dàng nhận thấy không có nhiều sản phẩm bất động sản (BĐS) mở bán trong thời điểm này. Những “ông lớn” của thị trường như Him Lam, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Phúc Khang… gần như chỉ mở bán nhỏ giọt.
Tranh thủ chớp thời cơ
Điển hình là dự án Him Lam Phú An tại quận 9 vẫn được chủ đầu tư (CĐT) tiếp tục bán trong năm 2018. Do dự án đã được mở bán từ cuối năm 2016 và hiện số lượng căn hộ còn lại không đáng kể nên CĐT không phải tốn chi phí tổ chức chạy marketing để bán hàng.
Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cũng đang tiếp tục mở dự án cũ là Sài Gòn Mystery Villas nằm tại phường Bình Trưng Tây, quận 2 và chưa có ý định bung hàng mới. Đây là dự án cao cấp với quy mô gần 14,6 ha, gồm 279 căn nhà phố liên kế và 72 căn biệt thự.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc tên tuổi cho biết: Theo kế hoạch, cuối năm 2017 công ty mở bán dự án thuộc phân khúc cao cấp tại quận 2. Với vị trí của dự án, công ty tin chắc sẽ được khách hàng đón nhận. Thế nhưng đã bước sang năm 2018, thủ tục pháp lý vẫn chưa thể hoàn tất, do đó dự án vẫn chưa thể bung hàng. Như vậy doanh nghiệp vừa mất đi cơ hội kinh doanh đồng thời đẩy chi phí lãi vay tăng cao. Nếu quá trình này kéo dài càng lâu thì giá thành sản phẩm sẽ càng cao và làm giảm tính cạnh tranh của dự án khi bung hàng.
Không có nhiều dự án được mở bán tại TP.HCM vào thời điểm hiện nay. Ảnh: THÙY LINH
Trong khi đa số các công ty tên tuổi đang nằm im thì một số CĐT tranh thủ dịp đầu năm để bung hàng. Bằng chứng là cuối tuần qua, Hưng Lộc Phát đã ra mắt dự án biệt thự phố Green Star tại quận 7 với 86 căn liền kề tại phường Phú Mỹ, đường Phạm Hữu Lầu, giá mỗi căn khoảng 8,5-12 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Dư Lực, Tổng Giám đốc Hưng Lộc Phát, cho biết: “Thời điểm này nhiều CĐT không mạnh tay bung hàng nhưng công ty nhận thấy đây là lúc thích hợp nhất để giới thiệu sản phẩm. Và thực tế cho thấy là sức hấp thụ của thị trường vẫn rất tốt. Chúng tôi ban đầu chỉ mở bán thử 60 căn thì đều bán hết. Tất nhiên, đối với một dự án cao cấp thì ngoài giá cả, vị trí dự án việc đẩy hàng nhanh hay chậm còn phụ thuộc các yếu tố như thiết kế, chênh lệch tiện ích”.
Vì sao hàng khan hiếm?
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cuối năm 2017 thị trường BĐS ở TP.HCM có ít dự án chào bán mới hơn so với mọi năm. Nguyên nhân khan hàng là do thị trường vừa kết thúc giai đoạn 1, lượng giao dịch BĐS tăng mạnh trong thời gian qua đã giúp lượng nhà tồn kho giảm mạnh mẽ.
“Hiện thị trường đang chuyển sang giai đoạn 2, tức là các dự án mua cách đây 2-3 năm thì sang năm 2018 mới bắt đầu triển khai. Còn bây giờ dự án nào bán được đã bán hết rồi, do vậy thị trường mới rơi vào tình trạng khan hàng chứ không phải vì thị trường hết hàng do “cháy” hàng - ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các CĐT chậm bung hàng, trong đó cơ bản là quỹ đất để phát triển dự án ngày càng cạn kiệt. Việc tìm được quỹ đất lớn để phát triển dự án đang là bài toán hóc búa đối với các CĐT. Đã vậy, quỹ đất này còn bị xâu xé bởi các đầu nậu phân lô tách thửa tràn lan; một số quận, huyện còn dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa phân lô.
TP.HCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của TP thành đất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị thông minh... Đây là cơ sở để phát triển thị trường địa ốc TP trong trung hạn và dài hạn. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |
“Hệ lụy là tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây. Nếu hiện tượng này không được giải quyết triệt để thì quỹ đất xây dựng dự án sẽ ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa cũng khiến quá trình phát triển dự án bị chậm còn do thủ tục hành chính” - ông Châu nhận định.
Nhận định về giá nhà đất, ông Trần Khánh Quang cho rằng năm 2018 cả phân khúc đất nền lẫn căn hộ sẽ tiếp tục tăng giá. Lý do là tiền sử dụng đất tăng kéo theo chi phí để phát triển dự án cũng tăng theo. Nguyên nhân thứ hai là giá vật liệu xây dựng đều tăng ít nhất 7%-10%/năm khiến chi phí đầu tư cũng bị đội lên. Thứ ba là sự khan hiếm quỹ đất như đã nói ở trên. Tất cả yếu tố đó tác động trực tiếp đến chi phí phát triển dự án.
“Dự báo giá nhà đất, căn hộ trong năm 2018 sẽ tăng thêm khoảng 10%-15% so với năm ngoái. Mặc dù giá tăng nhưng lợi nhuận của CĐT sẽ không cao như thời gian trước bởi chi phí cao. Còn nếu bán giá quá cao thì lại khó thu hút khách mua hàng” - ông Quang nói.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho biết tính đến cuối tháng 11-2017 tồn kho BĐS giảm còn hơn 25.700 tỉ đồng. So với con số 102.800 tỉ đồng trong quý I-2013, hàng tồn kho đã giảm gần 80%. Tại TP.HCM, thị trường BĐS năm 2017 có tính thanh khoản rất tốt, giao dịch sôi động ở mọi phân khúc. Các dự án mở bán hầu hết đều tiêu thụ một cách nhanh chóng, thậm chí có những đợt sốt đất nền xảy ra tại vùng ven TP.HCM. |