Một con người nhiệt huyết trong bóng đá như bầu Đức với vai trò chủ tịch CLB nhưng giá như ông có một giám đốc thể thao (GĐTT) xuất sắc thì đội HA Gia Lai không phải vất vả lo trụ hạng cùng lứa cầu thủ ưu tú của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG khóa I.
Lòng nhiệt huyết với chủ trương xây dựng học viện bóng đá đầu tiên cùng mong muốn góp sức cho bóng đá nước nhà có nhiều tài năng giỏi nhưng đến nay nhiều cầu thủ qua tuổi chuyển nhượng vẫn chưa được chuyển nhượng. Có cầu thủ còn tếu táo lên mạng xã hội sau mỗi mùa vất vả trụ hạng: “Dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng”. Đã 6-7 mùa từ khi lứa cầu thủ khóa I xuống núi chơi chuyên nghiệp nhưng vẫn chỉ để “đá cho vui”. Bây giờ thì mời một lão tướng từng có ý định treo giày sau khi chia tay đội tuyển liệu có vượt khỏi phạm vi “đá cho vui”?
So với nhiều đội bóng khác thì HA Gia Lai có điều kiện hơn, lại có một ông bầu “máu” bóng đá hơn nhưng tiếc là sau khi ông Nguyễn Văn Vinh xin nghỉ thì bầu Đức thiếu một cánh tay mặt kiểu GĐTT đúng nghĩa.
Anh Đức (phải) sẽ trở thành đồng đội của Tuấn Anh và lứa cầu thủ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG khóa I. Ảnh: TRÂM ANH
Nếu ở B. Bình Dương, tiền đạo Anh Đức không thể gia hạn hợp đồng vì sự trẻ hóa mạnh mẽ của CLB này thì HA Gia Lai mời Anh Đức về để tăng thêm vốn kinh nghiệm, đặc biệt ở khâu ghi bàn cho một đội bóng đã bảy mùa được xem là trẻ.
Nếu trước đây bầu Đức thắng lớn trong cú đột phá đưa Kiatisak và Chukiat về giúp HA Gia Lai lên hạng rồi vô địch V-League 2003, 2004 thì nay phi vụ Anh Đức gây nhiều ý kiến trái chiều.
Có ý kiến lạc quan cho rằng biết đâu gần cả đời Anh Đức khoác áo B. Bình Dương rồi nay đổi gió về HA Gia Lai, Anh Đức sẽ lại tỏa sáng như từng tỏa sáng tại AFF Cup 2018 mà thầy Park đặt niềm tin vào lão tướng này.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là HA Gia Lai cần một chính sách, những quyết định mang tính chiến lược, xuyên suốt hơn là những quyết định sốc kể từ sau vụ Kiatisak năm 2002. Rõ ràng nếu bầu Đức có những cánh tay phải hữu hiệu kiểu một GĐTT thì ông sẽ không phát biểu dạng “Không cần HLV giỏi, chỉ cần HLV nói cầu thủ nghe!”.
Việc đẩy hết cựu binh đi để thay thế bằng toàn bộ lứa Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG khóa I năm 2014 được xem là quyết định táo bạo nhưng chắc chắn nếu có một GĐTT hay giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa thì không bao giờ để toàn bộ đám trẻ thay hết phần việc của lớp đàn anh. Nó giống với kiểu học sinh giỏi cấp II, cấp III đi giày quá khổ trong môi trường đại học.
Nếu có một GĐTT hay giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa bên cạnh, chắc chắn bầu Đức sẽ được nghe những phản biện từ góc độ chuyên môn trước khi ra quyết sách, và “đám trẻ” ấy không phải “dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng”.
Nhìn vào lực lượng HA Gia Lai hiện nay về con người, rất nhiều tuyển thủ U-23 và tuyển thủ quốc gia nhưng cứ ra sân và thấp thỏm và khổ sở quá. Ngoại binh thì HA Gia Lai cũng sắm đủ hạn ngạch ba cầu thủ, lại có cả thầy ngoại… làm bầu Đức tốn tiền không ít nhưng yếu tố hiệu quả là chuyện phải xem lại.
Tiền đổ vào nhiều, cầu thủ lên tuyển không ít nhưng vì sao bầu Đức cứ loay hoay với nhiều biện pháp chữa cháy hơn là định hướng mang tính chiến lược?