Sau hơn năm mùa chơi ở V-League, đội bóng của bầu Đức vẫn rơi vào nhóm trung bình yếu khi mùa nào cũng ngoi ngóp ở nửa dưới bảng xếp hạng chung cuộc, có khi suýt rớt hạng. Một hai mùa đầu, ai cũng nói cầu thủ HA Gia Lai non trẻ nhưng hiện tại hầu hết đã trên dưới 25 tuổi và chơi chung với nhau nhiều mùa rồi thì không thể gọi là trẻ nữa.
Ai cũng biết đội bóng phố núi học hành lối đá hay, đá đẹp từ “lò” Arsenal JMG và luôn trung thành với cách chơi ấy từ khi “xuống núi”. Họ đi đến đâu là gây sốt đến đấy với những cầu thủ ngoan ngoãn và dễ mến cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Họ góp mặt triền miên ở các đội tuyển quốc gia, từ lứa U-19 đến U-23 và tuyển lớn, mà nghiệt ngã chưa có khoảng thời gian kéo dài hạnh phúc tại V-League cho cuộc đua vô địch.
Tuy nhiên, mùa nào HA Gia Lai cũng chơi bóng như phó thác và đánh đu với số phận, không biết rõ ngày mai sẽ ra sao!
HA Gia Lai vẫn chờ các ngoại binh lên tiếng khi các nội binh bị bắt bài. Ảnh: CTV
Bầu Đức hay nửa đùa nửa thật CLB của ông không muốn vô địch và hiện chỉ chơi cho vui nhưng có lẽ chính ông vẫn thừa hiểu các cầu thủ căng ra chơi hơn sức mình vẫn không đủ sức vô địch. HA Gia Lai thiếu một vài chỗ dựa đáng tin cậy, cả nội lẫn ngoại binh, thiếu sự thực dụng cần thiết trong lối chơi đơn điệu.
Trước mùa dịch COVID-19, thầy trò HLV Lee Tae-hoon bỏ túi 4 điểm nhưng mới nhất thua liền hai trận trước Nam Định ở Cúp Quốc gia và Hà Nội tại V-League. HA Gia Lai vẫn với đội hình có nhiều tuyển thủ đá suốt 180 phút không ghi nổi bàn thắng nào, lại để lọt lưới năm lần.
Chiều 12-6, lợi thế cho HA Gia Lai là chơi trên sân nhà Pleiku tiếp khách quen thuộc Nam Định (VTV6 trực tiếp 17 giờ). Cuộc tái đấu này dễ chịu hơn cho HA Gia Lai khi đội bạn mất đi sức mạnh cổ vũ cuồng nhiệt như lần thắng HA Gia Lai 2-0 trên sân Thiên Trường. Ngược lại, sức ép cho Nam Định lớn hơn, không chỉ là thích nghi với vùng không khí loãng, áp suất cao dễ gây ngộp, mà còn thiếu sức sống của “cầu thủ thứ 12” cùng những lá bài đã lật ngửa.
Thời điểm này, ông thầy người Hàn Quốc của chủ sân Pleiku không thể giúp học trò lấy 3 điểm từ Nam Định thì không biết đến bao giờ. Thậm chí, chỉ là một trận hòa nữa thôi, cơ hội cho HLV Lee Tae-hoon trụ lại V-League sẽ không còn, khi mới đây ông thừa nhận sẵn sàng bị sa thải vì thành tích yếu kém của HA Gia Lai.
Nóng bỏng những cặp derby TP.HCM chiều 12-6 có tiếng chơi trên sân nhà Thống Nhất nhưng sẽ tiếp đội bóng cùng thành phố là Sài Gòn (BĐTV trực tiếp 19 giờ). Cả hai có cách làm bóng đá khác nhau và đều muốn chứng tỏ số một ở địa phương, hứa hẹn một cuộc so tài nảy lửa. So với nhà á quân TP.HCM, êkíp lãnh đội mới của Sài Gòn vừa tái xuất làng bóng còn trắc trở, như việc Chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành phải kiêm nhiệm luôn chiếc ghế HLV trưởng. Tuy nhiên, họ có điểm chung là sự chắc chắn sau ba vòng V-League chưa thua và Sài Gòn (5 điểm) không chịu lép vế, không muốn là “đàn em” của TP.HCM (7 điểm). Tương tự, cuộc đối đầu giữa chủ nhà Thanh Hóa với láng giềng SL Nghệ An (17 giờ) cũng sẽ rực lửa vì không ai nghĩ mình sẽ là kẻ đến sau. Thanh Hóa có sức mạnh đồng tiền và dám thay đổi, như việc đưa HLV Thành Công xuất thân từ Nghệ An về nắm đội thay thế thầy ngoại. Tuy nhiên, họ đang thất thế hơn về tinh thần sau ba trận toàn thua, còn SL Nghệ An không dồi dào về tài chính bằng nên rất biết chắt chiu qua hai trận thắng, một trận hòa. Thanh Hóa có lợi thế sân nhà và tân HLV hiểu về bóng đá Nghệ An nhưng để thắng sau cơn khủng hoảng là không dễ. Trận đấu muộn vòng 4 V-League còn lại, tân binh Hà Tĩnh khó lòng đương đầu với sức mạnh của nhà đương kim vô địch Hà Nội (18 giờ). Mặc dù HLV Nguyễn Minh Đức từng gắn bó và rất gần gũi với cầu thủ Hà Nội là học trò cũ của mình nhưng nếu Hà Nội chịu chơi đúng sức, Hà Tĩnh sẽ thua đậm. |