Để đáp ứng yêu cầu của chương trình, trong khi chưa có đội ngũ GV tích hợp chính quy, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường cử GV đi tập huấn. Theo đó, GV môn lịch sử sẽ học thêm môn địa lý để phụ trách môn lịch sử và địa lý, GV môn hóa học sẽ học thêm môn vật lý và sinh học để phụ trách môn khoa học tự nhiên.
Dù đã trải qua khóa tập huấn nhưng để làm chủ môn học đối với các GV không phải là điều dễ dàng. Bởi đa phần họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng nay phải dạy đa môn. Quá trình tập huấn diễn ra trong thời gian ngắn sao có thể bằng kiến thức một phân môn được đào tạo trong suốt bốn năm. Vì thế, nhiều GV chia sẻ họ sợ học sinh hỏi hóc búa, sợ phải dạy những bài khó khi kiến thức chưa đủ sâu. Dù được đồng nghiệp hỗ trợ, tổ chuyên môn hướng dẫn và bản thân tự tìm tòi, học hỏi nhưng nhiều GV vẫn không đủ tự tin khi dạy phân môn không phải chuyên môn của mình.
Một cán bộ quản lý chia sẻ GV đã rất vất vả khi thực hiện chương trình. Giá như khi triển khai môn tích hợp tại bậc THCS, đội ngũ GV được đào tạo dạy môn tích hợp đã có sẵn thì tốt biết mấy. Thế nhưng, theo các trường đào tạo về sư phạm, phải đến hết năm 2023 mới có đội ngũ GV tích hợp vì năm 2019 các trường mới có mã ngành về các môn này. Do đó, các GV rơi vào tình trạng được đào tạo theo kiểu cũ nhưng phải dạy chương trình mới.
Dù gặp khó nhưng các thầy cô, các trường vẫn phải thực hiện và từng bước tìm cách tháo gỡ từ từ. Cả thầy và trò đều nhìn thấy những mặt tích cực khi triển khai dạy và học liên môn. Đặc biệt, các học sinh chia sẻ tìm thấy niềm vui, hứng thú với các tiết học tích hợp, từ đó phát triển phẩm chất và năng lực đáp ứng mục tiêu của chương trình đề ra.
Tinh thần vượt khó khi thực hiện chương trình giáo dục mới này cũng từng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Việc thực hiện chương trình sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, tuy nhiên ngành giáo dục xác định vẫn phải tiếp tục thực hiện vì đổi mới chương trình, sách giáo khoa là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, Quốc hội, của Chính phủ và từ chính nhu cầu của người dân. Việc này phải làm đến cùng, không được đứt gánh giữa đường. Khó khăn ở đâu sẽ tìm cách tháo gỡ từng bước ở đó.