Chông chênh dạy học tích hợp - Bài 2: Đến hết 2023 mới có giáo viên

(PLO)- Chương trình tích hợp đã triển khai được gần hai năm nhưng giáo viên được đào tạo chính quy vẫn chưa có, dẫn đến tình trạng giáo viên hiện nay phải dạy “chắp vá”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai năm thứ hai ở bậc THCS với các môn tích hợp nhưng phải hết năm học 2022-2023, sinh viên (SV) được đào tạo giảng dạy môn này mới ra trường và tham gia giảng dạy.

Năm 2019 mới có mã ngành đào tạo

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây, ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết đến năm 2019 trường mới có mã ngành sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm khoa học tự nhiên. Theo lộ trình, kết thúc năm học 2022-2023 trường mới có khoảng 60 SV đầu tiên ra trường.

Các vấn đề trong thực tiễn không thể giải quyết một cách độc lập dựa trên nền tảng kiến thức khoa học nào mà phải dựa trên những kiến thức tích hợp. Ví dụ, học liên môn lịch sử và địa lý sẽ giúp giải quyết vấn đề một cách tổng quát.

Thầy HÀ VĂN THẮNG, giảng viên ngành lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Chính vì vậy, khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoàn toàn không có giáo viên (GV) được đào tạo để có thể làm chủ môn học này. Ngành GD&ĐT TP.HCM đã nhanh chóng tổ chức tập huấn cho GV để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Đến nay, Trường ĐH Sài Gòn đã bồi dưỡng cho gần 5.000 GV ở bộ môn tích hợp cho các trường trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề này, ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ năm 2019 trường đã bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên, năm tiếp theo có thêm ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Đến năm 2022 trường bắt đầu tuyển sinh thêm ngành mới là sư phạm công nghệ đào tạo GV tin học và công nghệ từ lớp 3, dạy môn công nghệ bậc THCS và THPT.

Như vậy, đến tháng 9-2023, trường sẽ có SV của ngành khoa học tự nhiên ra trường, năm tiếp theo sẽ có SV ngành lịch sử - địa lý tốt nghiệp. Đến thời điểm này, trường đang đào tạo khoảng 1.000 SV các ngành tích hợp. Hiện nay trường đang tổ chức bồi dưỡng môn tích hợp cho khoảng 1.700 GV của hai tỉnh Tây Ninh và Gia Lai.

Sinh viên thích thú với ngành học mới

Đang theo học năm ba ngành sư phạm lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Hồ Thanh Tú chia sẻ cảm thấy rất thích thú với ngành học mới. Tú là SV khóa đầu tiên của ngành này.

Theo Tú, gần ba năm được đào tạo, Tú cùng các bạn đã hiểu sâu về chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như môn tích hợp.

“Được tham dự những tiết dự giờ môn học này tại các trường phổ thông, em đã tích lũy được kinh nghiệm cũng như hiểu thêm về ngành học. Việc học liên môn lịch sử - địa lý giúp em có kiến thức bao quát” - Tú nói.

Theo Tú, để dạy tốt môn học này, ngoài việc nắm chắc kiến thức nền tảng ở môi trường đại học, SV phải được dự giờ nhiều tiết dạy thực tế và tự trau dồi thêm kiến thức cho mình.

Sinh viên ngành lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự giờ môn lịch sử và địa lý của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1).Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sinh viên ngành lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự giờ môn lịch sử và địa lý của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1).Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tương tự, SV Trần Mỹ Như chia sẻ chọn theo học ngành lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vì thấy môn học mới mẻ.

“Càng học em lại thấy ngành học này thú vị vì có thể hiểu được kiến thức lịch sử lẫn địa lý trong một vấn đề. Nếu học đơn môn, em chỉ có kiến thức về một môn” - Như nói.

Theo Như, sau thời gian được đào tạo ở trường đại học, em có đủ tự tin đứng lớp giảng dạy. Tuy nhiên, để dạy tốt thì Như phải học nhiều hơn nữa mới có thể giải đáp hết những thắc mắc của học sinh. “Muốn dạy hiệu quả bộ môn này, ngoài kiến thức, GV phải có kỹ năng trong việc giảng dạy để học sinh thích thú với giờ học như tổ chức trò chơi, làm việc nhóm, thuyết trình” - Như chia sẻ.

Thầy Hà Văn Thắng, giảng viên ngành lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết khóa đầu tiên của môn lịch sử - địa lý chỉ có 21 em. Tuy nhiên, những khóa sau số lượng SV theo học tăng dần, có khi lên đến 170 em.

Thầy Thắng chia sẻ hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng môn lịch sử và địa lý là hai phân môn riêng rẽ ghép vào một cách cơ học. Cách hiểu này chưa nắm rõ bản chất của vấn đề, bởi dù chương trình dạy theo hai phân môn nhưng bên trong đã có sự tích hợp và gặp nhau ở những chuyên đề tích hợp bắt đầu từ năm lớp 7.

Phân công giáo viên dạy chủ đề phù hợp

Kế hoạch dạy môn lịch sử và địa lý được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ. Đối với các chủ đề chung ở lớp 7, hiệu trưởng phân công GV có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề chung. Theo đó, bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lý theo tỉ lệ phù hợp với nội dung, thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Với môn khoa học tự nhiên, căn cứ tình hình đội ngũ GV của nhà trường, hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để GV đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình học.

(Văn bản hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục trung học của Bộ GD&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm