Giá sàn 1,5 triệu, dân nghèo hết mơ đi máy bay

Lý giải cho việc đề xuất đặt giá sàn, Vietnam Airlines cho biết do chi phí nhiên liệu và tỉ giá tăng trong khi doanh thu trung bình chia theo hành khách giảm bốn năm liên tiếp. Cụ thể, doanh thu trung bình chi theo hành khách năm 2013 là hơn 1,63 triệu đồng, 2014 còn hơn 1,58 triệu đồng và giảm xuống lần lượt 1,48 triệu và 1,3 triệu trong hai năm tiếp theo.

Song song đó, đề cập về việc cần tăng mức giá trần, Vietnam Airlines cho biết giá nhiên liệu và tỉ giá USD đang có chiều hướng tăng khiến cho mức phí bình quân trên mỗi ghế cung ứng cao hơn thời điểm tháng 9-2015. Thêm vào đó, Vietnam Airlines đã triển khai đầu tư đội tàu bay mới A350/B787 hiện đại, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn bốn sao và dự kiến triển khai khoang dịch vụ phổ thông đặc biệt. 
Vietnam Airlines cũng tính toán nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị với đường bay trên 1.280 km thì ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỉ đồng sau một năm thực hiện.
Trước đó, tại văn bản gửi Cục Hàng không, Vietnam Airlines cho biết hãng đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm hai dải cho hạng thương gia và 11 dải cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau.
Ví dụ chặng bay Hà Nội - TP.HCM hạng phổ thông giá cao nhất (hạng M) được áp dụng là 3,15 triệu đồng (khoảng 98% so với giá trần), thấp nhất hạng E là 1,15 triệu, hạng P là 0,8 triệu đồng (khoảng 25% so với giá trần). 
Các mức giá đa dạng được mở bán đồng thời trên cả mạng đường bay nội địa với tỉ lệ thay đổi theo nhu cầu thị trường: Mùa cao điểm, chuyến bay cao điểm mở bán nhiều những mức giá cao. Mùa thấp điểm, chuyến bay nhu cầu thấp được mở bán nhiều giá thấp, khách mua ngày xa được mua với giá thấp hơn mua sát ngày...
Kết quả năm 2016 có 4% khách hàng của Vietnam Airlines mua vé hạng thương gia, 9,6% mua hạng M (giá cao nhất hiện tại), 40% khách mua giá hạng thấp nhất, còn lại khoảng 46% là khách mua các mức giá khác.
Việc duy trì dải giá rộng kết hợp với việc mở bán linh hoạt các mức giá được hãng lý giải nhằm tối ưu hóa doanh thu, giúp doanh thu trung bình trên khách mạng nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân. Tuy nhiên, con số này có xu hướng giảm qua các năm. 
Do đó, hãng cho rằng nếu xét theo mặt cắt so sánh giá vé, việc điều chỉnh tăng trần là phù hợp với xu thế chung của ngành và việc áp dụng mức sàn ở mức hơn 30% giá trần là hợp lý.

Giá sàn 1,5 triệu, dân nghèo hết mơ đi máy bay ảnh 1
Vietnam Airlines cũng tính toán nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị với đường bay trên 1.280 km thì ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỉ đồng sau một năm thực hiện.

Được biết trong dự thảo về mức giá tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa, Cục Hàng không đề xuất giá trần vé máy bay hạng phổ thông sẽ tăng 7%-16%, tương ứng 110- 600.000 đồng, tùy theo từng nhóm đường bay. 

Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines đã kiến nghị Cục Hàng không áp dụng giá sàn từ 0,6 triệu đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay. Ngược lại, Vietjet Air lại không đồng tình khi cho rằng việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014. Hơn nữa, quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không còn phổ biến trên thế giới.
“Việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo sự cạnh tranh không bình đẳng của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không khác” - đại diện Vietjet phân tích.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đang trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo khung giá vé máy bay, việc đề xuất giá sàn là từ doanh nghiệp. Cục chưa có đề xuất này hay bất kỳ văn bản nào gửi Bộ GTVT về vấn đề áp giá sàn vé máy bay chặng nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm