30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) có hiệu lực

Giá trị bản ‘Hiến pháp về biển và đại dương’

(PLO)- Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã và đang là một nguồn cảm hứng lớn để các quốc gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển.

Ngày 16-11-2024, thế giới kỷ niệm 30 năm ngày UNCLOS năm 1982 có hiệu lực. Công ước là một trong những thành tựu quan trọng nhất về luật pháp quốc tế của nhân loại trong thế kỷ 20, tiếp tục khẳng định vai trò là bản “Hiến pháp về biển và đại dương’’ trong thế kỷ 21.

Vì sao gọi “Hiến pháp về biển và đại dương”?

Theo GS Donald Rothwell, chuyên gia Luật Biển quốc tế ĐH Quốc gia Úc, UNCLOS được ký kết sau quá trình đàm phán kéo dài từ năm 1973 đến 1982, được coi là cuộc đàm phán dài nhất cho một hiệp ước quốc tế. Mục tiêu chính của UNCLOS là tìm cách cân bằng quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển và các quốc gia hàng hải. Trước khi UNCLOS ra đời, đã có bốn công ước về Luật Biển tập trung vào các vấn đề riêng lẻ như vùng biển cả và thềm lục địa. UNCLOS đã tổng hợp và mở rộng các công ước này, đồng thời bao quát nhiều vấn đề hơn, vì thế nó được gọi là “Hiến pháp về biển và đại dương”.

Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về Luật Biển tại Geneve (Thụy Sĩ) vào ngày 4-4-1975. Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC

“Ví dụ, phần XV của UNCLOS đã thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán bắt buộc, đánh dấu một điểm đổi mới quan trọng. Việc phân định ranh giới biển là một quá trình có từ trước UNCLOS, dù có cung cấp một khung pháp lý cho việc giải quyết các ranh giới biển nhưng các văn bản trước UNCLOS không quy định cụ thể cách thức phân định các ranh giới” - ông Rothwell nhận xét.

Cũng theo vị chuyên gia này, các thỏa thuận bổ sung cũng đã được thông qua để mở rộng UNCLOS cho những vấn đề chưa được giải quyết vào năm 1982. Ví dụ, Thỏa thuận về nguồn cá năm 1995 và Thỏa thuận BBNJ năm 2023 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các khu vực ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận xét: UNCLOS là hiệp ước được chấp nhận rộng rãi nhất kể từ khi Hiến chương Liên hợp quốc ra đời. Những thành phần cốt lõi của UNCLOS được coi là tập quán quốc tế, có ràng buộc ngay cả đối với các quốc gia không phải là bên tham gia thỏa thuận này. Rõ ràng đây là hiệp ước lớn nhất, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và là lần đầu tiên nhiều quốc gia đồng ý giải quyết tranh chấp theo quy định. Chính phạm vi điều chỉnh này khiến UNCLOS trở thành bản “Hiến pháp về biển và đại dương”.

“Cơ chế giải quyết tranh chấp đã được sử dụng để giải quyết vấn đề phân định ranh giới biển, ví dụ giữa Nicaragua và Colombia hoặc giữa Ấn Độ và Bangladesh, cũng như các vấn đề không phân định như vụ Nga - Hà Lan về việc bắt giữ tàu Arctic Sunrise của Hà Lan. Trong vụ kiện giữa Nga - Hà Lan, Moscow đã từ chối chính thức công nhận phán quyết nhưng trên thực tế vẫn tuân thủ phán quyết đó” - chuyên gia Gregory B. Poling chia sẻ thêm.

Tiến bộ vượt bậc, ứng dụng rộng rãi

Nhìn một cách tổng quát, GS-TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) thuộc Liên hợp quốc, nhận định UNCLOS có nhiều tiến bộ quan trọng so với các điều ước quốc tế trước đó về biển và đại dương.

Thứ nhất, UNCLOS đã khắc phục được các điểm yếu của bốn Công ước Geneve năm 1958 và qua đó thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển công bằng hơn.

Thứ hai, UNCLOS đã giải quyết các vấn đề trên biển một cách tổng thể, không phân mảnh như thể hiện trong bốn Công ước Geneve năm 1958.

Thứ ba, UNCLOS mở rộng quyền của các quốc gia ven biển ra ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Các quốc gia có điều kiện đều có thể đăng ký là nhà đầu tư ban đầu thăm dò và khai thác một vùng xác định tại đáy biển.

Thứ tư, UNCLOS đã đưa ra các nguyên tắc công bằng giải quyết các vấn đề phân định biển và thiết lập cơ chế mới hữu hiệu về giải quyết các tranh chấp biển.

“Quan trọng không kém, UNCLOS là nguồn cảm hứng cho các quốc gia ven biển xây dựng và thông qua hàng loạt văn bản pháp luật quốc gia về biển phù hợp với nội dung và tinh thần của công ước này, góp phần thúc đẩy sự thống nhất luật pháp biển, phát triển và pháp điển hóa Luật Biển trong khu vực và trên thế giới. Vì những lẽ đó, UNCLOS tiếp tục được đánh giá và ủng hộ rất cao như văn bản pháp lý duy nhất, quyền lực nhất để thực thi và giải quyết các vấn đề về biển” - GS-TS Nguyễn Hồng Thao nhận định.

“UNCLOS thể hiện cao nhất tính pháp điển hóa tập quán quốc tế và sự phát triển tiến bộ của luật quốc tế trong lĩnh vực biển nên một số quốc gia không tham gia công ước như Mỹ cũng được thừa hưởng các thành quả của công ước. Việc bảo vệ tính nhất quán, không làm thay đổi các quy tắc Luật Biển của UNCLOS trước các vấn đề mới nổi như nước biển dâng, biến đổi khí hậu được các nước trên thế giới quan tâm và chú trọng” - GS-TS Nguyễn Hồng Thao kết luận.

Những thành phần cốt lõi của UNCLOS được coi là tập quán quốc tế, có ràng buộc ngay cả đối với các quốc gia không phải là bên tham gia thỏa thuận này.

Việt Nam vừa áp dụng vừa đóng góp cho UNCLOS

Liên hệ việc quản lý các vùng biển theo tinh thần UNCLOS, GS-TS Nguyễn Hồng Thao nhận định Việt Nam (VN) đã nắm bắt thời cơ mà UNCLOS năm 1982 mang lại từ rất sớm và đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, UNCLOS cho phép mở rộng các vùng biển lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền 200 hải lý và vùng thềm lục địa được tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Mặc dù tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ ba muộn (từ năm 1977) nhưng VN là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ra Tuyên bố của Chính phủ vào ngày 12-5-1977 về thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo tinh thần của dự thảo công ước. Tuyên bố này có thể được coi là tuyên ngôn biển của đất nước. Với tuyên bố này cùng với việc phê chuẩn UNCLOS vào ngày 23-6-1994, đất nước VN không chỉ giới hạn trong hình dạng hình chữ S của đất liền mà đã trở thành một quốc gia hướng ra biển lớn.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Hồng Thao, VN còn là một trong những nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về việc đàm phán phân định các vùng biển, giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS. Bên cạnh đó, thực tiễn giải quyết các tranh chấp trên biển của VN làm phong phú thêm, chứng minh thêm tính đúng đắn của UNCLOS, cũng như góp phần giải thích và làm sáng tỏ thêm các quy định của công ước này.

“Những đóng góp của VN với UNCLOS được thể hiện qua ba khía cạnh. Thứ nhất, VN đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định biển. Thứ hai, thực tiễn của VN và một số nước đã tạo ra minh chứng rõ rệt để Tòa án Công lý quốc tế đúc kết và đưa ra khuyến nghị ba bước áp dụng cho phân định biển trong vụ phân định biển Đen giữa Romania và Ukraine vào năm 2009. Thứ ba, VN cũng rất linh hoạt trong lập trường để giải quyết các tranh chấp biển với Indonesia. VN cũng là nước thành công nhất trong khu vực giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất, phù hợp với tinh thần và quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế” - GS-TS Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh.•

UNCLOS và Chiến lược biển của Việt Nam

UNCLOS tạo cơ sở cho Việt Nam xây dựng “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Công ước này cũng là nguồn cảm hứng cho Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012. Luật này quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến biển: Cách xác định đường cơ sở, quy chế pháp lý các vùng biển của Việt Nam, vấn đề thực thi quyền tài phán trên biển, vấn đề phát triển kinh tế biển…

Trên cơ sở UNCLOS và Luật Biển Việt Nam năm 2012, Việt Nam công bố và điều chỉnh hàng loạt luật chuyên ngành như Bộ luật Hàng hải; Luật Dầu khí; Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật Hình sự; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ… cùng hàng loạt văn kiện liên quan.

GS-TS NGUYỄN HỒNG THAO

Làm gì khi “diễn ngôn” UNCLOS khác nhau?

Việc diễn giải luật pháp quốc tế, trong đó có diễn giải các điều khoản trong UNCLOS, có thể cố ý hoặc vô tình, có thể khác nhau ở mỗi nước, gây ra khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. Việc này không hiếm gặp. UNCLOS có một số thuật ngữ chưa được định nghĩa thật sự rõ ràng, do đó các quốc gia có thể diễn giải khác nhau.

Các tranh chấp về cách diễn giải này có thể được giải quyết thông qua a) các phán quyết của tòa án và các tòa trọng tài, b) sự tiến triển của thực tiễn quốc tế và c) các thỏa thuận bổ sung được thêm vào UNCLOS.

GS DONALD ROTHWELL

Giải quyết hạn chế của UNCLOS bằng các thỏa thuận bổ sung

Những vấn đề chưa rõ hoặc một số hạn chế trong UNCLOS có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán bổ sung, ví dụ trường hợp Thỏa thuận về nguồn cá năm 1994 và Thỏa thuận bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Thỏa thuận BBNJ).

Bên cạnh đó, những hạn chế trong UNCLOS cũng có thể được giải quyết bằng hệ thống các án lệ qua các phán quyết của tòa án và tòa trọng tài.

Chuyên gia GREGORY B. POLING

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới