“Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Tôi vào quân đội ở những năm cuối cuộc chiến. Thống nhất đất nước rồi, khó khăn lắm, sau một thời gian mới có điều kiện thi đại học. Rất may là điểm cao, được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn bắt đầu cuộc trò chuyện với PLO như vậy trong ngày hè oi ả của Hà Nội, khi vừa hay tin Tổng thống Nga Putin chuẩn bị thăm Việt Nam theo lời mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nước Nga trong văn học, nghệ thuật
Ký ức của ông về những ngày học tập ở Liên Xô ấy trước hết là cảm xúc về những đồng đội đã ngã xuống. “Mình còn sống đã là may mắn rồi, lại còn được đi học nước ngoài, thì phải học thật tốt, không chỉ cho riêng mình mà còn vì rất nhiều đồng đội đã mất”.
Thế hệ ông đã biết tới nước Nga rất sớm, khi mà hồi còn nhỏ đã được đọc những tác phẩm văn học Nga Xô-viết, rồi xem những bộ phim Nga kinh điển. Thậm chí, trong chiến trường, giữa những lúc ngớt tiếng bom, im tiếng súng, có những người lính lại bập bõm bài hát Nga từng đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ miền Bắc lúc ấy, như Kachiusa, Chiều hải cảng…
“Tôi vẫn nhớ bộ phim Bài ca người lính, về đề tài chiến tranh nhưng cực kỳ lãng mạn. Xem có thể rơi nước mắt, xong rồi lại gạt nước mắt để làm những việc lớn hơn. Hay bộ phim Khi đàn sếu bay qua, hình ảnh cô gái chạy theo đoàn quân trở về để tìm người thân, thực sự không bao giờ quên”, ông Doãn kể lại.
Con người Nga trong cảm nhận của lưu học sinh Việt
Cậu sinh viên Đỗ Quý Doãn ngày ấy được phân công theo học ngành báo chí, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, từ năm 1979 – 1986. Ấn tượng đầu tiên của cậu là khung cảnh thiên nhiên nước Nga cực kỳ thơ mộng, nhất là khi mùa thu về. Từ ký túc xá bước ra là những cánh rừng mùa thu vàng.
Cậu cũng đặc biệt ấn tượng với tình cảm của người Nga dành cho đất nước Việt Nam xa xôi vừa thoát khỏi chiến tranh. “Ngày đầu mới sang, tiếng Nga còn ú ớ, đường sá chưa quen, nhiều khi còn được ông bà già Nga đội mưa tuyết buốt giá, đưa bọn sinh viên còi cọc chúng tôi cả quãng đường dài, đến tận nơi. Hoặc họ dẫn ra bến, đợi khi nào mình lên được xe, tàu họ mới đi. Hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt...”, nhà báo Đỗ Quý Doãn kể.
Ngày nhập học, bà giáo Nga đến ký túc xá xem phòng ở của các lưu học sinh Việt Nam thế nào. Cũng chính bà có ý kiến với nhà trường để ưu tiên khu nhà yên tĩnh, rộng rãi hơn cho sinh viên của mình. Đoàn lưu học sinh hồi ấy có nhiều người là lính xuất ngũ, thậm chí là thương binh. Có trường hợp sức khỏe không tốt còn được bà giáo giúp cho ở một phòng riêng.
Những người bạn Nga cùng trường lúc ấy cũng rất quan tâm tới các bạn người Việt. Họ rủ ông Doãn cùng các bạn về gia đình, cơm nước cho đỡ nhớ nhà. “Anh bạn tôi mua cho con anh ấy một cái áo thì bao giờ cũng kèm theo luôn một cái áo cho con tôi. Con người Nga là như thế, từ phim ảnh đến đời thực vô cùng đôn hậu”.
Về nước, nghề báo rồi công tác quản lý ở Bộ Văn hóa, sau đó là Bộ Thông tin và Truyền thông đưa nhà báo Đỗ Quý Doãn đi nhiều nước, nhưng đến lúc này, khi đã nghỉ ngơi, ông vẫn khẳng định người Nga là chân chất nhất. “Người Nga đã giúp thì vô cùng chu đáo, đến nơi đến chốn, nhưng lại rất kiệm lời”, ông Doãn đánh giá.
Người Nga trong con mắt ông là giúp mọi người bằng cả tấm lòng, chẳng cần được nhớ hay trả ơn. “Họ tốt từ bản năng. Giá trị rất Nga ấy luôn khiến người ta nhân văn hơn, sống với nhau tốt hơn”.
Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm
Nhà báo Đỗ Quý Doãn còn được biết đến với tài văn thơ, mà một trong số đó là bài thơ Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, được nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc. Ông Doãn bảo: “Tôi không phải nhà thơ mà chủ yếu là một nhà báo. Làm báo thì đi nhiều nơi, gặp nhiều người cho nên khi thấy khung cảnh, mình dễ có cảm xúc, nhiều lúc không thể kiềm chế được”.
Bài thơ ra đời trong một ngày thật đẹp như thế, một chiều thu năm 1981. Hôm ấy, đoàn nghệ thuật Bông Sen sang biểu diễn tại Moscow. Ca sỹ Hồng Vân hát bài Giận thì giận, thương thì thương, một làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh. Trời thu rất đẹp, tâm trạng của người xa Tổ quốc khi nghe dân ca thì nhớ không chịu nổi.
Nhạc sỹ Trần Hoàn đang tham dự lớp bồi dưỡng ngắn hạn có mặt trong nhà hát, lúc về hai anh em đi dạo trên đồi Lenin, nay là đồi Chim sẻ, mới bảo ông Doãn làm thơ.
“Bất kỳ làn điệu dân ca nào cũng là quê hương, Tổ quốc mình. Trong một buổi chiều trong lòng rất nhớ Tổ quốc, con tim ngập tràn cảm xúc, ở nơi xa nghe câu hò ví dặm. Trong đầu tôi nghĩ đến cụ Hồ cũng từng xa Tổ quốc. Trong tâm trạng đó tôi viết bài thơ và nhạc sỹ Trần Hoàn cũng bắt được mạch đó để sáng tác, phổ nhạc”, ông Doãn kể.
Phong cách Nga vẫn vậy trong bể dâu thời cuộc
Liên Xô và CNXH Đông Âu sụp đổ, nhưng nước Nga, con người Nga vẫn vậy. Công việc sau này, ông Doãn có nhiều lần trở lại Nga, có điều kiện để cảm nhận, đối chiếu thì thấy phong cách Nga, con người Nga vẫn như mùa thu vàng xứ Bạch Dương.
Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đã phần nào lấy lại được vị thế Liên Xô ngày nào. Kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại. Ở các đô thị, các cao ốc mọc nhiều hơn. Nhưng dù cuộc sống sôi động, hiện đại thế nào thì người Nga vẫn vậy. Trong cảm nhận của nhà báo Đỗ Quý Doãn, văn hóa Nga, bản sắc Nga vẫn luôn đẹp như ngày đầu gặp gỡ.
Ông vẫn nhớ lại một kỷ niệm với người thầy Nga dẫn ông vào nghề báo. Đấy là lần được trở lại Đại học Tổng hợp Matxcova. Người thầy dạy ông ngày nào, nay đã gần 90 tuổi, được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Người học trò Đỗ Quý Doãn ngày nào nay được giao nhiệm vụ gặp, trao tặng phần thường cao quý ấy cho người thầy già rưng rưng nước mắt. Vài năm sau, thầy trò lại có dịp gặp nhau khi đoàn làm phim Việt Nam sang thực quay thước phim 100 năm Cách mạng tháng Mười.
Ông Doãn nhớ như in lời cuối người thầy Nga dặn dò: “Thầy bây giờ già rồi, có thể không còn điều kiện gặp lại các em. Nhưng ở trên thế giới này, sẽ chẳng có nơi đâu có điều kiện tình nghĩa như thầy trò Xô - Việt chúng mình và cũng chẳng có nơi đâu có được tình hữu nghị Việt - Xô”.