Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Đầu giờ chiều 26-5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua – bán ở mức 56,25- 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 180.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 230.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên hôm 25-5.
Tại ngân hàng Eximbank, chỉ tính trong phiên giao dịch buổi sáng đã có tới 5 lần điều chỉnh tăng giá vàng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết giá vàng miếng SJC mua -bán hiện ở mức 56,35 – 56,6 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá tăng mạnh nhưng biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn không có biến động lớn, từ 350.000 – 400.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, chênh lệch giá mua – bán đối với vàng miếng SJC loại có trọng lượng nhỏ lại đột ngột giãn rộng lên tới 750.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 55,90 – 56,65 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay phổ biến ở mức 1.907 USD/ounce. So với mức giá thấp nhất trong ngày 25-5, hiện giá vàng thế giới tăng khoảng 32 USD/ounce, tương đương tăng khoảng 900.000 đồng/lượng. Mức tăng này cao khoảng gấp 3 lần so với biên độ tăng của giá vàng miếng SJC.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 53,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 3,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh giá trị đồng bạc xanh rơi xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,61% năm xuống còn 1,57%/năm.
Sẽ có nhiều mỏ khai thác vàng phải đóng cửa
Số liệu của Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên của Australia (DISER) cho biết, sau khi sản lượng khai thác vàng trên thế giới bị sụt giảm 3,9% vào năm 2020 (chỉ khai thác được 3.401 tấn vàng), thì trong năm nay được dự báo sẽ tăng 5,5% (ước đạt 3.588 tấn vàng).
Đồng thời, sản lượng khai thác vàng trên thế giới năm 2022 ước tăng 3,0% (lên 3.696 tấn vàng) và tăng 2,0% (lên 3.769 tấn vàng) vào năm 2023.
Lý giải về việc sản lượng khai thác vàng trên thế giới từ nay cho đến năm 2023 sẽ tăng, DISER cho biết việc triển khai toàn cầu vắc-xin COVID-19 dự kiến sẽ giúp giảm thiểu gián đoạn sản xuất mỏ vàng sau năm 2022.
DISER lưu ý rằng sau khi sản lượng khai thác vàng trên thế giới đạt mức đỉnh 3.807 tấn vào năm 2024, thì việc khai thác nguồn tài nguyên quý hiếm này trên thế giới dự kiến sẽ giảm với tốc độ hàng năm là 0,8% vào năm 2025 và 2026, xuống còn 3.746 tấn vào năm 2026, do tài nguyên dần cạn kiệt, trong khi đó chi phí khai thác ngày càng tốn kém hơn.
Nhiều khả năng số lượng các mỏ vàng không sinh lời có thể sẽ tăng từ 5% vào năm 2021 lên 10% vào năm 2026. Nếu điều này xảy ra, dự kiến sẽ có nhiều mỏ khai thác vàng trên thế giới phải đóng cửa và sản lượng khai thác vàng giảm.
Trong năm nay, sản lượng khai thác vàng ở khu vực Trung và Nam Mỹ và châu Phi dự kiến sẽ phục hồi, sau khi thua lỗ nặng vào năm 2020. Sản lượng khai thác vàng ở Mexico được dự báo sẽ tăng 24% vào năm này, lên 128 tấn, Peru (tăng 35% lên 136 tấn) và Nam Phi (tăng 24% lên 124 tấn).
Australia dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới vào năm 2021, sản xuất 384 tấn. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các quy định chặt chẽ hơn về môi trường có khả năng giữ cho sản lượng khai thác vàng của Trung Quốc ở mức khoảng 370 tấn/năm trong giai đoạn phát triển.