Đến cuối phiên sáng nay, 9-5 giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank- SBJ được niêm yết ở mức 86,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 89 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng thêm 500.000 đồng ở cả hai chiều so với giá mở cửa.
Nhưng nếu so với chốt phiên chiều qua, thì hiện giá vàng miếng SJC tại đây đã thêm 1.300.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1.500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đây không chỉ là mốc cao chưa từng có trong lịch sử giá vàng miếng mà còn là mức giá cao nhất trên toàn thị trường trong phiên hôm nay.
Bởi lẽ, cùng thời điểm này, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đang được niêm yết ở mức 86,5 triệu đồng/lượng mua vào và 88,8 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn giá đóng cửa chiều qua là 1.300.000 đồng/lượng.
Đáng chú ý, tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng thêm 950.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1.150.000 đồng/lượng ở chiều bán, neo giá mua bán ở mức 86,5 – 88,65 triệu đồng/lượng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước càng tổ chức nhiều phiên đấu thầu bao nhiêu thì giá vàng miếng lại càng tăng nhanh bấy nhiêu. Thực tế cho thấy, khi nguồn cung trên thị trường vàng miếng đã tăng thêm 6.800 lượng trong hai tuần gần đây, nhưng chênh lệch giữa vàng miếng và vàng thế giới không hề được thu hẹp mà ngày càng nới rộng thêm.
Ở chiều ngược lại, giá vàng nhẫn 9999 lại "đủng đỉnh", chỉ nhích thêm 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua, giao dịch quanh ngưỡng 73,35 – 74,25 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia cho biết, giá đấu thầu vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra chưa khi nào thấp cả. Vậy nên khi doanh nghiệp mua cao với giá cao thì đương nhiên họ cũng bán ra với giá cao hơn.
Do đó, nếu nhà điều hành càng mở nhiều phiên đấu thầu vàng miếng thêm nữa và với giá đấu thầu vẫn ở mức cao ngất ngưởng như hiện tại thì mục đích kéo giá vàng miếng về sát với mặt đất là khó khả thi.