Đó là, khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên được phép đặt thầu chỉ còn 7 lô (tương đương 700 lượng). Như vậy so với các phiên đấu thầu vàng miếng trước đây, khối lượng đấu thầu tối thiểu đã giảm 50%, từ 1.400 lượng xuống còn 700 lượng.
Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu vẫn giữ nguyên ở mức 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Đồng thời, nhà điều hành cũng không thay đổi tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu ở mức 16.800 lượng.
Giá tham chiếu để phục vụ việc đặt cọc cho phiên đấu thầu vàng ngày mai sẽ là 85,3 triệu đồng/lượng.
Nhận định về việc giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một thành viên được phép đặt thầu xuống còn 7 lô, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho rằng: "Điều này sẽ giúp các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng dễ dàng chuẩn bị nguồn lực hơn. Từ chỗ phải chuẩn bị khoảng 115 tỉ đồng nếu trúng thầu với khối lượng 1.400 lượng thì giờ đây doanh nghiệp chỉ cần xoay được một nửa số tiền này mà thôi."
Ngoài ra, khi kinh doanh vàng, các doanh nghiệp chỉ thực hiện cân đối trạng thái, không được để dư cũng không được để thiếu quá nhiều so với vốn ban đầu. Nhất là càng không có doanh nghiệp kinh doanh vàng nào lại đi đầu cơ, "ôm” vàng miếng trong thời điểm giá liên tục leo thang như thế này.
"Điều này nghĩa là khi doanh nghiệp đã bán ra bao nhiêu lượng vàng miếng thì cũng sẽ chỉ mua vào với số lượng tương đương, đủ để cân bằng trạng thái. Đương nhiên không có doanh nghiệp nào để âm trạng thái với số lượng vàng miếng lên đến 1.400 lượng cả" - ông Phương nêu quan điểm.