Trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 10 USD/ounce, tương đương đắt thêm 300.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua, nhưng vàng miếng SJC tại một số doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm gần một triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC tăng "nóng"
Đầu giờ chiều nay, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 76,6 triệu đồng/lượng mua vào và 78,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở chiều mua, giữ nguyên giá ở chiều bán so với cuối phiên hôm qua.
Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt cộng thêm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua, song ở chiều bán ra chỉ tăng thêm khoảng 100.000 đồng, đưa giá mua bán vàng miếng SJC tại đây lên 77 – 78,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng thêm tới 900.000 đồng ở chiều mua và 950.000 đồng ở chiều bán ra, đẩy giá mua – bán lên 76,95 – 78,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC đắt hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: T.L
Đối với các loại vàng nhẫn 9999 có mức tăng khá nhẹ nhàng, chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/lượng tuỳ cửa hàng. Giá vàng nhẫn 24K tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng phổ biến ở mức 63,5 – 64,6 triệu đồng/lượng. Không chỉ bám sát theo đà tăng của giá vàng thế giới, mà chênh lệch giữa giá mua – bán của vàng 9999 cũng “mềm” hơn, chỉ khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng, trong khi khoảng chênh lệch này của vàng miếng SJC đang là 2 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới, vàng miếng SJC đắt gần 19,5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch cao bất thường và đầy rủi ro đối với người mua. Do đó, những ai chọn thời điểm này để “ôm” vàng miếng SJC rất dễ “chết”.
Bởi sự biến động của giá vàng miếng SJC không đi theo bất cứ một quy luật nào, chỉ cần trên thị trường có một lực bán chốt lời khoảng vài trăm lượng là nó ngay lập tức “lao dốc”. Trong khi đó, vàng nhẫn 9999 có diễn biến khá sát với biến động của giá vàng thế giới, điều này sẽ giúp nhà đầu tư trở nên an toàn hơn.
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến ngày Vía Thần tài mùng 10 tháng giêng, giá vàng thường có xu hướng bị đẩy lên cao nhưng ngay sau đó lại lao dốc khiến những người mua vàng, nhất là vàng miếng SJC vào thời điểm giá cao chót vót như hiện tại rất dễ “mất lộc” ngay sau đó.
Giá vàng thế giới cố neo lại mốc 2.000 USD/ounce
Trên thị trường vàng quốc tế, giá kim loại quý màu vàng đang nỗ lực đeo bám ở vùng giá 2.000 USD/ounce, tăng khoảng 10 USD/ounce so với giá chốt phiên gần nhất. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương ứng 59,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hồi phục về mốc quan trọng này chủ yếu do thị trường vừa đón nhận một số chỉ báo quan trọng của nền kinh tế Mỹ. Trước tiên là doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ trong tháng 1 giảm 0,6% so với cùng kỳ tháng trước, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2% của các chuyên gia kinh tế. Doanh số bán lẻ toàn phần cũng giảm 0,8% so với tháng 12 năm ngoái, cao hơn so với mức giảm 0,2% theo dự báo.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tháng 1 cũng giảm 0,1% so với cùng kỳ tháng trước, ngược chiều với dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra là tăng 0,2%. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 10-2 ở mức 212.000 đơn, giảm xuống từ 220.000 đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 219.000 đơn theo dự báo.
Ông Andrew Hunter, Phó Giám đốc Kinh tế Mỹ tại Capital Economics, nhận định: "Các chỉ số kinh tế mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng đang chững lại. Nhìn chung, mức tiêu dùng thực tế đã giảm trong tháng 1 và ngay cả khi phục hồi trong tháng 2 và tháng 3, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 1 cũng sẽ chậm lại đáng kể. Như vậy, các quan chức Fed có thể không cần phải lo lắng lâu hơn nữa về khả năng nền kinh tế tiếp tục phục hồi và thúc đẩy lạm phát”.