Ngân hàng làm gì để các doanh nghiệp dễ vay vốn ưu đãi?

(PLO)- Việc yêu cầu các ngân hàng khi tham gia chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp phải đăng ký quy mô gói tín dụng ưu đãi không chỉ giúp kiểm soát ngân hàng nào “làm thật, giải ngân thật” mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay giá rẻ. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 3-2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết để chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả cần làm tốt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Lệnh, ngay cả khi lãi suất ổn định và thấp thì việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi vẫn rất cần thiết với chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Trong nhiều năm qua, chương trình này trên địa bàn TP.HCM luôn đăng ký gói tín dụng ưu đãi và giải ngân gói tín dụng này để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ cần thiết trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao mà ngay cả khi lãi suất cho vay ổn định và thấp thì việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi vẫn rất cần thiết.

ngân hàng
Năm 2023, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã giải ngân được 567.340 tỉ đồng, tương ứng 125,2% quy mô gói. Ảnh minh hoạ

Giải thích vì sao việc đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp lại có ý nghĩa quan trọng, ông Lệnh nêu quan điểm: Thứ nhất, gói tín dụng ưu đãi với 2 tiêu chí là quy mô và lãi suất. Trong đó phải đảm bảo lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, việc đưa ra gói hỗ trợ với quy mô và số tiền cụ thể sẽ giúp các ngân hàng chủ động trong hoạt động cho vay và hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời là sự đảm bảo cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động về nguồn vốn trong khi vẫn đảm bảo lãi suất ổn định, hạn chế sự ảnh hưởng khi lãi suất thị trường biến động.

Thứ ba, việc yêu cầu các ngân hàng đăng ký và giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp sẽ đảm bảo “làm thật, giải ngân thật”, doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, lãi suất có điều kiện tăng trưởng và phát triển.

Riêng trên địa bàn thành phố, trong năm 2023 tổng quy mô gói tín dụng được 20 ngân hàng đăng ký từ đầu năm đạt 453.070 tỉ đồng và kết thúc năm đã giải ngân đạt 567.340 tỉ đồng (bằng 125,2% quy mô gói) cho 166.579 khách hàng.

Trước đó, năm 2022, chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại TP.HCM đã thu hút 13 ngân hàng thương mại tham gia với tổng quy mô gói tín dụng ưu đãi đạt 434.280 tỉ đồng. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng đã giải ngân đạt 568.340 tỉ đồng do nhiều khoản vay ngắn hạn được giải ngân nhiều lần. Con số này tương ứng 131% gói tín dụng ưu đãi đăng ký từ đầu năm và tăng 16,6% so với năm 2021.

Điều đó cho thấy chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại TP.HCM đã đạt kết quả ấn tượng cả về số tiền giải ngân lẫn số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được hỗ trợ vốn.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới lãi suất thấp, tăng hạn mức tín dụng… đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, để sớm bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm