Phải tăng kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Chiều 12-7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa VIII, nhiều đại biểu cho rằng lãi suất liên tục giảm, tuy nhiên doanh nghiệp (DN) vẫn kêu rằng khó tiếp cận được nguồn vốn. Tại sao?

Nhiều NH mở rộng cho vay tín chấp

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho hay: Qua khảo sát thực tế tại các ngân hàng (NH) ở TP.HCM, có hai lý do chính. Thứ nhất, một số ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện quy định về trần lãi suất cho vay chưa triệt để. Nguyên nhân chính là chi phí đầu vào ở một số NH còn cao. Thứ hai, nhiều NH phản ánh rằng rất ít DN nhỏ và vừa đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu lại có xu hướng tăng. “Ngoài ra, tuy NH nhiều lần mở rộng đối tượng cho vay nhưng không thể nới lỏng điều kiện cho vay được” - ông Minh nói. Tuy vậy, ông Minh cũng đứng ra “nhận khuyết điểm vì tuy cơ chế, giải pháp thì nhiều nhưng các NH thực hiện không đồng bộ. NHNN và NHTM cổ phần có vốn nhà nước thực hiện nghiêm túc nhưng NHTM thì chưa” cũng vì các lý do trên.

Một cử tri ở Bình Chánh có ý kiến qua điện thoại: “Hồ sơ vay vốn cần phải công khai minh bạch để không làm khó DN”. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng hồ sơ vay vốn dù được cải cách thủ tục thế nào đi nữa thì cũng cần phải đảm bảo tính kỹ lưỡng và tránh rủi ro cho NH.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Minh, trong thời gian vừa qua một số NH cũng đã mở rộng hơn hình thức thế chấp để vay vốn. Cụ thể, NH thực hiện cho vay thế chấp bằng nguồn thu bán hàng của DN có thể, không cần qua quỹ bảo lãnh. Đồng thời, một số NH cũng mở rộng cho vay tín chấp. Đây là hình thức mà nhiều năm qua các NH ít thực hiện bởi nhiều rủi ro cho hoạt động tín dụng.

Phải tăng kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp ảnh 1

DN và hiệp hội cũng phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình. Với DN, quyết định vẫn là bản thân từng DN. Nếu DN đầu tư dàn trải, không định hướng thì khó vượt qua khó khăn. Về phía hiệp hội, tôi mong thời gian tới, hiệp hội cần nâng cao vai trò: cầu nối giữa Nhà nước - DN, định hướng thông tin, kết nối các DN trong ngành và DN trong ngành với ngành khác.

Phó Chủ tịch UBND TP NGUYỄN THỊ HỒNG

Chỉ đạo của NHNN phải dứt khoát

Tham gia ý kiến tại buổi chất vấn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, thẳng thắn: Để việc gỡ khó cho DN đồng bộ và khả thi thì song song vai trò, trách nhiệm nhà nước, cũng nên bàn đến vai trò DN và hiệp hội.

Theo bà Hồng, TP đã giảm, giãn, miễn thuế cho DN tổng cộng là 4.669 tỉ đồng và “TP chấp nhận giảm thu khoản này”. TP cũng đã triển khai các chương trình kích cầu, đã giải quyết cho 406 dự án trong chương trình, phát huy hoạt động quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ đưa hàng hóa ra thị trường ngoài nước... TP cũng đã làm việc với NHNN, chuẩn bị hội nghị kết nối hệ thống NH với các DN, trong đó các NHTM sẽ tự giới thiệu mình, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn…

Cũng theo bà Hồng, lãnh đạo TP và NHNN đã làm việc nhiều lần để tính toán giảm lãi, tăng tốc độ tín dụng, cấu trúc lại các khoản nợ. Và để việc thực hiện rõ ràng hơn, bà Hồng kiến nghị: NHNN có hướng dẫn cụ thể hơn các văn bản mà thống đốc NHNN đã ban hành (liên quan cơ cấu nợ, gia hạn nợ…), muốn thực hiện rốt ráo thì phải có chỉ đạo cụ thể chứ không thể nói là giao NHTM “xem xét”.

Đừng để bị nợ xấu!

Cử tri ở Bình Chánh nói trên cũng đặt vấn đề DN bị công khai thông tin nợ xấu trong năm năm thì rất bị ảnh hưởng kế hoạch vay vốn dù đã giải quyết xong nợ xấu. Ông Nguyễn Hoàng Minh thông tin lại: Nợ xấu được chia thành năm nhóm, “căng” nhất là nhóm 3, 4, 5. Khi có nợ xấu, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) sẽ đưa thông tin lên để các NH nghiên cứu có thể cho vay hay không. Việc “treo” thông tin năm năm cũng là theo thông lệ quốc tế. “Nợ thông thường, khi DN trả nợ xong thì NH sẽ làm thủ tục và thông báo giải chấp, DN có thể vay nơi khác. Tốt nhất đừng để rơi vào nợ xấu và phải giải quyết nợ xấu trước khi bị đưa thông tin!” - ông Minh lưu ý.

Nhiều NH cam kết cho vay vốn

Việc các NH đã và đang đưa lãi suất cho vay cũ về 15% cũng là cách chia sẻ khó khăn với DN. Mới đây NH cũng đã phối hợp với UBND quận Tân Bình giới thiệu 11 DN trên địa bàn vay 92,6 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 12%-13%/năm. Đây là những kết nối thành công, bước đầu không dừng lại ở đây mà sẽ len qua nhiều địa bàn khác. Chẳng hạn, Sacombank sẽ tài trợ tín dụng cho 15 DN vừa và nhỏ ở mức lãi suất 13%/năm với VNĐ, 4,5%/năm với USD. Sắp tới chúng tôi cùng với với Agribank sẽ trực tiếp gặp để hỗ trợ DN. Mới đây VIB vừa làm việc với chúng tôi để tài trợ khoảng 1.500 tỉ đồng cho DN ở TP.HCM vay vốn, trong đó đầu mối là NHNN TP.HCM, lãi suất tối đa là 12%-13%. Riêng bất động sản, VIB còn có dự án cho vay với lãi suất chỉ 9,9%...

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH,Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trao đổi bên lề kỳ họp

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm