Hôm nay 30-4, giá vàng thế giới rớt xuống 2.329 USD/ounce, tương đương 71,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC vẫn duy trì mức cao kỷ lục là 85,20 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng SJC và giá vàng thế giới hiện là 13,4 triệu đồng/lượng.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện ba lần đấu thầu vàng SJC nhằm bình ổn thị trường và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuy nhiên, sau hai phiên đấu thầu không thành công và một phiên có khối lượng mua 3.400 lượng vàng SJC, các mục tiêu trên đều không đạt được.
Ngược lại, giá vàng SJC còn bị đẩy lên mức cao kỷ lục, đồng thời khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới cũng không thu hẹp được bao nhiêu.
Giới phân tích chỉ ra NHNN đã đưa ra giá đấu thầu vàng SJC quá cao. Mặt khác, tính độc quyền của thương hiệu vàng SJC vẫn phát huy sức mạnh trên thị trường khiến cho mọi nỗ lực giảm giá vàng SJC của cơ quan chức năng không đạt được.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, cho biết Chính phủ Việt Nam đã hạn chế nhập khẩu vàng trong hơn một thập kỷ, dẫn đến giá vàng miếng độc quyền của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thuộc sở hữu nhà nước phát hành luôn giao dịch ở mức cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới.
NHNN gần đây đã mở phiên bán đấu giá vàng SJC, là một phần dự trữ ngoại hối của Việt Nam và cho tín hiệu rằng có thể tiếp tục chính thức nhập khẩu vàng vào Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm.
Những thông báo này, cùng với một số biện pháp khác ít tác động hơn đã giúp giảm chênh lệch giá vàng SJC với thế giới, nhưng khoảng cách vẫn còn khá cao so với mức trước đây.
"Chúng tôi thấu hiểu trước tình thế hiện tại của NHNN. Lượng vàng cần nhập khẩu để giảm mức chênh lệch giá vàng Việt Nam cũng sẽ tác động đáng kể đến dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, khi giá vàng ở Việt Nam cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới việc nhập lậu vàng sẽ diễn ra và gián tiếp rút đồng đô la Mỹ ra khỏi nền kinh tế Việt Nam" - ông Michael Kokalari nhận định.