Phiên giao dịch cuối của tháng 8 trên sàn New York, giá vàng thế giới hạ sâu 1% và đóng cửa ở mức 2.497,53USD/ounce. Đây là diễn biến khá bất ngờ khi phiên giao dịch liền trước, vàng đã tăng 0,6%, lên ngưỡng 2.520USD/ounce.
Giá vàng theo hợp đồng tương lai giảm sâu hơn, 1,3%, xuống 2.527,6USD/ounce, vẫn cho thấy kỳ vọng tăng giá.
Giá vàng thế giới giảm để tăng?
Giá vàng thế giới 4 ngày qua đã chứng kiến 3 phiên tăng, 1 phiên giảm lần lượt ở các mức giá 2.518,47USD/ounce (tăng 0,3% so với phiên trước đó), 2.524,6USD/ounce (+0,3%), 2.505,03USD/ounce (-0,8%), 2.520USD/ounce (+0,6%). Tất cả đều trên ngưỡng 2.500.
Trong chuỗi điều chỉnh này, yếu tố gần nhất gây tăng giá là thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua vàng trở lại sau 4 tháng liên tiếp ngừng mua.
Vậy tại sao đến phiên giao dịch tiếp theo lại giảm?
Theo Capital Economics, 2.500USD/ounce vẫn là ngưỡng tâm lý quan trọng của thị trường. Chính vì vậy cứ mỗi khi giá vàng vượt ngưỡng này, sẽ có nhiều nhà đầu tư tranh thủ bán ra chốt lời.
Nhưng ngay cả điều chỉnh giảm như thế này, giá vàng thế giới trên thực tế vẫn tăng 2% so với đầu tháng 8. Trong đó, đã có lúc vàng leo lên ngưỡng kỷ lục 2.531,6USD/ounce.
Và việc giảm giá thế này rất có thể để chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới, nếu xét theo số liệu tiêu dùng cá nhân (PCE) mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, tăng 0,2% trong tháng 7, đúng theo kỳ vọng của thị trường.
Số liệu này gỡ bỏ mối lo lắng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lạm phát. Cũng tức là, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 đã rõ ràng hơn rất nhiều, chỉ còn là giảm bao nhiêu. Theo CME FedWatch, xác suất là 69% Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản.
Mối quan tâm còn lại của Fed là số liệu việc làm. Nếu thị trường việc làm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu thì sau lần cắt giảm tháng 9, đến kỳ họp tháng 12, Fed có thể cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm nữa. Và sau đó sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong suốt năm 2025, với tốc độ 25 điểm cơ bản mỗi quý.
Fed cắt giảm lãi suất cơ bản luôn là yếu tố hỗ trợ tăng giá, chưa kể căng thẳng địa chính trị vẫn đang âm ỷ, và yếu tố các ngân hàng trung ương vẫn trong xu hướng mua vào - theo ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB.
Giá vàng trong nước chịu hai tác động: Giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND
Tại thị trường trong nước, cập nhật ở thời điểm cuối cùng của tháng 8, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng so với cuối tháng 7. Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ mới nhất, giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới thời điểm hiện tại khoảng 4,87 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC với sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đang dẫn dắt khá tốt thị trường vàng trong nước theo hướng ổn định hơn, giảm bớt tâm lý đầu cơ vàng không tốt cho nền kinh tế.
Giá vàng nhẫn ngày cuối tháng 8 đang được giao dịch ở mức 77,40 – 78,65 triệu đồng/lượng với thương hiệu SJC, 77,46 – 78,66 triệu đồng/lượng với nhẫn ép vỉ vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Mạnh Hải.
Cần lưu ý, việc tăng, giảm giá vàng trong nước, ngoài yếu tố tăng, giảm của giá vàng thế giới, còn chịu sự tác động của diễn biến tỷ giá.
Trong tháng 8, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt đáng kể. Cuối tháng 7, đầu tháng 8, đồng bạc xanh trên thị trường chính thức bán ra ở mức 25.450 đồng/USD, trên thị trường tự do là 25.700 đồng/USD, thì ngày cuối cùng của tháng 8 này, giá USD các ngân hàng thương mại bán ra chỉ còn 25.030 đồng, còn trên thị trường tự do là 25.200 đồng.