Giá vé máy bay cao đang 'làm khó' tour du lịch

(PLO)- Ngành Du lịch tìm giải pháp phối hợp với hàng không để đạt mục tiêu đón tám triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, báo Văn Hóa đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết đây là hội thảo kết nối ngành du lịch với hàng không có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Giá vé máy bay cao ảnh hưởng đến xây dựng giá tour

Tại Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.

Theo ông Siêu, năm 2023, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính.

Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. “Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành”- ông Siêu nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách, trong đó, khoảng tám triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng trong năm 2023 thì vai trò của hàng không là rất lớn.

Ngành Du lịch đặt mục tiêu đón tám triệu khách quốc tế trong năm 2023. Ảnh: T.Q

Ngành Du lịch đặt mục tiêu đón tám triệu khách quốc tế trong năm 2023. Ảnh: T.Q

Do đó, ông Siêu đề xuất triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam và phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực nâng cao chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phát triển hàng không – du lịch, tăng cường phối hợp truyền thông quảng bá giữa ngành hàng không và du lịch. Đồng thời, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không.

Khuyến khích các hãng hàng không khai thác đến các Cảng quốc tế thứ cấp

Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo nhu cầu vận tải hàng không đối với hành khách vào năm 2023 sẽ nhanh chóng phục hồi về mức trước đại dịch.

Việt Nam đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thoả thuận song phương và đa phương.

Hội thảo ‘‘Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế’’ được tổ chức tại Khánh Hòa. Ảnh: CTV

Hội thảo ‘‘Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế’’ được tổ chức tại Khánh Hòa. Ảnh: CTV

Ông Đăng cho biết một điểm nổi bật của chính sách này là khuyến khích mạnh mẽ các hãng hàng không khai thác đến các Cảng hàng không quốc tế thứ cấp, tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển, chính sách giá, các điều kiện về thương mại và khai thác khác (slots, liên doanh, liên danh…) cho các hãng qua việc thực hiện khai thác các chuyến bay quốc tế đến các điểm này.

Theo đó, nội dung chính sách gồm: Thương quyền và trao đổi thương quyền không giới hạn chế tải cung ứng giữa Việt Nam và quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác, mở rộng có lộ trình đối với vận chuyển hành khách và tự do hóa vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đó là khai thác liên danh và vận tải đa phương thức, khai thác thuê chuyến và khai thác quốc tế kết hợp nhiều điểm, bay tam giác.

Theo ông Đăng, chính sách này đã được thể hiện trong 67 Hiệp định hàng không song phương giữa Việt Nam với các quốc gia và sáu Hiệp định hàng không đa biên mà Việt Nam tham gia.

“Với chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa hay nói cách khác là “Mở cửa bầu trời” như đã nêu trên, có thể nói gần như không có rào cản cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam“- ông Đăng nói.

Tại hội nghị, đại diện Vietnam Airlines kiến nghị trước mắt Việt Nam cần sớm quay về các chính sách visa như trước dịch COVID-19. Tiếp đó, sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Đồng thời, cần có chiến dịch quảng bá du lịch hiệu quả và tiếp tục triển khai các giải pháp miễn giảm các loại thuế phí đến hết năm 2024.

Về lâu dài, đại diện hãng hàng không cho rằng cần xây dựng một chiến lực quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực. Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, sự kiện, lễ phát động du lịch lớn để thu hút du khách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm