Theo Cục Hàng không, trong giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ (từ ngày 21-1 đến ngày 28-1-2025), tỉ lệ đặt chỗ trên chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành ghi nhận đa phần đạt trên 50%.
Tình trạng lệch đầu vẫn diễn ra như mọi năm
Trong đó, chặng bay TP.HCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh có tỉ lệ đặt chỗ cao (90%-100%) vào các ngày từ 23-1 đến 26-1-2025.
Với đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội và Đà Nẵng, lượng vé cung ứng còn khá lớn với tỉ lệ đặt chỗ dao động từ 20%-50%. Chẳng hạn chặng bay TP.HCM đi Hà Nội ngày 25-1-2025 (tức ngày 26 tháng Chạp) là ngày có tỉ lệ đặt chỗ cao nhất trong cả giai đoạn nhưng cũng mới đạt 62%.
Ở chiều ngược lại từ các tỉnh, thành đi TP.HCM, tỉ lệ đặt chỗ trên các chặng bay đa phần ở mức từ 15-30%.
Vào giai đoạn cuối kỳ nghỉ lễ, từ ngày 1-2 đến ngày 7-2-2025, tỉ lệ đặt chỗ trên các chuyến bay từ địa phương về TP.HCM ở mức cao. Trong đó, một số ngày tỉ lệ đặt chỗ trên 90% đến 100% như từ Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai Đồng Hới, Ban Mê Thuột đến TP.HCM.
Về giá vé, theo khảo sát của Cục Hàng không, trước Tết Nguyên đán chiều từ TP.HCM đi các địa phương đang có mức giá cao hơn chiều ngược lại.
Cụ thể, thời điểm bắt đầu nghỉ Tết, các khảo sát cận kề ngày 25-1-2025 (tức ngày 26 tháng Chạp - ngày bắt đầu nghỉ lễ), trên chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội giá vé khoảng 3,7 triệu đồng/chiều, tăng khoảng 10-20% so với thời điểm trước ngày nghỉ lễ. Chiều ngược lại, các hãng vẫn có các mức giá vé tương đồng với những ngày thường
Còn trong ngày 21-1-2025 (tức 22 tháng Chạp), trên chặng từ TP.HCM đi Hà Nội, mức giá vé hạng phổ thông từ 3,1 đến 3,7 triệu đồng. Trong khi đó, chiều ngược lại từ Hà Nội đi TP.HCM, giá vé được các hãng công bố ở mức “dễ thở” hơn là gần 1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/lượt.
Vào giai đoạn kết thúc nghỉ lễ, giá vé đảo chiều với mức giá cao hơn xuất hiện trên chặng bay từ địa phương đi TP.HCM. Cụ thể, ngày 2-2-2025 (ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ), chặng từ Hà Nội đi TP.HCM giá vé dao động khoảng 3,6-3,7 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy, trước Tết Nguyên đán, lượng khách ra Bắc tăng cao, còn sau tết khách trở lại TP.HCM nhiều nên các hãng đẩy giá vé gần kịch mức trần theo quy định. Các đường bay ngược lại thì lượng người di chuyển thấp nên giá vé mềm hơn.
Cục Hàng không cho rằng đây cũng là đặc điểm có thể nhận thấy trên đường bay giữa các thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội) và các địa phương trong cả nước, phản ánh tính chất lệch đầu trong khai thác vận chuyển hàng không được hình thành vào mỗi dịp nhỉ lễ.
Người dân chưa vội mua vé để canh giá rẻ
Theo dõi sát giá vé máy bay Tết, chị Trần Thị Nhung, ngụ ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cho biết vẫn chưa mua được vé. Các năm, vé mở bán sớm có khi lại đắt hơn vé bán muộn nên lần này chị phải canh thời điểm.
Chị đánh giá giá vé hiện nay đang ở mức quá cao, vượt sức chi trả của gia đình. “Nhà tôi có bốn người, nếu giá như hiện nay phải mất hơn 30 triệu đồng cho một chuyến về Vinh ăn tết cùng gia đình. Nếu tính cả chi phí xe đi lại nữa cũng mất gần 40 triệu đồng, tôi chưa dám xuống" tiền”- chị Nhung nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lộc, ngụ ở Bình Phước, cho biết mình làm tài xế nên từ trước tới nay chưa bao giờ anh nghĩ đến việc đi máy bay về quê đón tết. Tuy nhiên, vợ anh mới sinh con nên năm nay phải “săn” vé máy bay đi lại cho tiện.
“Lúc các hãng bắt đầu mở bán thấy giá vé 3,7 triệu đồng tôi bị choáng. Hiện tôi đang chờ giá thấp hơn một chút để mua. Khung giờ bay không quan trọng, chỉ cần giá rẻ thì mấy giờ tôi cũng mua”- anh Lộc nói.