1. Ai Cập
Giá một gallon xăng: 1,01 USD
Tương đương giá một lít: 0,26 USD (5.600 đồng)
Ai Cập là quốc gia đông dân nhất trong các nước Ả-rập và vẫn đang tìm cách hồi phục sau vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi tháng 7 năm ngoái. Chính quyền của ông Morsi đã không thể thực hiện cam kết cải tổ ngành năng lượng và hạn chế trợ giá tại đây. Giá nhiên liệu rẻ là nguyên nhân chính đóng góp vào thâm hụt ngân sách 12% của nước này. Thu nhập bình quân của người dân Ai Cập là 9,13 USD một ngày.
2. Iran
Giá một gallon xăng: 1,52 USD
Tương đương giá một lít: 0,4 USD (8.500 đồng)
Nhiều năm bị trừng phạt kinh tế khiến nguồn thu từ dầu mỏ của Iran dần cạn kiệt. Tài chính của nước này yếu đến mức từ năm 2010, Iran phải thực hiện kế hoạch 5 năm giảm trợ giá năng lượng. Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 và cho đến năm 2010 vẫn là nước trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cao nhất thế giới. Thu nhập bình quân tại đây là 18 USD một ngày.
3. Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE)
Giá một gallon xăng: 1,77 USD
Tương đương giá một lít: 0,46 USD (9.900 đồng)
Kể từ khi phát hiện tài nguyên dầu mỏ thập niên 60, UAE đã nhanh chóng từ một vùng đất nghèo khổ biến thành giàu có, hiện đại. Các nỗ lực đa dạng hóa gần đây đã giúp nền kinh tế UAE giảm phụ thuộc vào dầu khí xuống còn 25%. Họ hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 8 thế giới với thu nhập bình quân 121 USD một ngày.
4. Nigeria
Giá một gallon xăng: 2,23 USD
Tương đương giá một lít: 0,58 USD (12.500 đồng)
Giá nhiên liệu của Nigeria luôn nằm trong top rẻ nhất thế giới, nhưng vẫn bị coi là đắt đỏ so với thu nhập bình quân ngày chỉ gần 5 USD. Nigeria là nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi, nhưng phải nhập khẩu đến 70% nhiên liệu do thiếu cơ sở vật chất để lọc dầu.
5. Malaysia
Giá một gallon xăng: 2,42 USD
Tương đương giá một lít: 0,64 USD (13.500 đồng)
Chương trình trợ giá nhiên liệu của Malaysia đã giúp nước này lọt top rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Malaysia năm ngoái. Sau việc này, Thủ tướng Najib Rasak đã giảm trợ giá để nâng giá xăng lên thêm 23 cent một gallon. Thu nhập bình quân đầu người ở đây hiện là 31 USD một ngày.
6. Nga
Giá một gallon xăng: 3,19 USD
Tương đương giá một lít: 0,84 USD (17.800 USD)
Nga hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới với giá xăng thuộc hàng rẻ nhất. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu thời gian gần đây, giá xăng bằng đồng ruble của nước này đã tăng 7,2%. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng giữ giá dầu thô Brent thế giới luôn trên 100 USD mỗi thùng. Thu nhập bình quân tại Nga hiện là 40 USD một ngày.
7. Mexico
Giá một gallon xăng: 3,58 USD
Tương đương giá một lít: 0,95 USD (20.000 đồng)
Trợ giá và tỷ giá thuận lợi tại Mexico từng khiến nhiều người Mỹ lái xe qua biên giới để đổ xăng. Tuy nhiên, việc này đang thay đổi. Quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới đang dần giảm trợ giá nhiên liệu, khiến giá tăng 4,5% kể từ tháng 7 năm ngoái. Mexico gần đây cũng sửa luật cho phép nhà đầu tư ngoại và tư nhân tham gia khai khác các mỏ dầu khí, lần đầu tiên trong 76 năm. Thu nhập bình quân tại đây hiện là 29 USD một ngày.
8. Mỹ
Giá một gallon xăng: 3,69 USD
Tương đương giá một lít: 0,97 USD (20.600 đồng)
Mỹ là quốc gia tiêu thụ xăng lớn nhất thế giới với trung bình 4,5 lít một người mỗi ngày, cao hơn 31% so với nước xếp sau là Canada. Dù vậy, thu nhập bình quân ngày tại đây là 151 USD, chi phí cho xăng xe chỉ chiếm 2,5% số đó.
9. Indonesia
Giá một gallon xăng: 3,73 USD
Tương đương giá một lít: 0,98 USD (20.900 đồng)
Indonesia đang gặp vấn đề về khai thác dầu thô, khi các mỏ dầu già cỗi của nước này chỉ cho sản lượng chưa bằng 50% thập niên 90. Việc này đã biến họ từ nước xuất khẩu thành nhập dầu.
Khoảng 15% ngân sách nước này dành cho trợ giá năng lượng. Chi phí này đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế - xã hội của Indonesia. Năm ngoái, ý định giảm trợ giá của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình trên cả nước, do nước này có tới 100 triệu người sống dưới 2 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, tính bình quân, thu nhập ngày tại đây là 11 USD.
Phần lớn người dân Indonesia mua loại xăng được trợ giá có hàm lượng octane thấp hơn các nước khác và cũng thấp hơn tiêu chuẩn được Bloomberg dùng trong xếp hạng. Giá loại xăng này là 0,4 USD một lít.
10. Pakistan
Giá một gallon xăng: 4,08 USD
Tương đương giá một lít: 1,07 USD (22.800 đồng)
Pakistan là nước nghèo nhất trong danh sách của Bloomberg với thu nhập bình quân ngày 3,55 USD. Vì vậy, phần lớn người dân Pakistan chọn dùng loại khí nén tự nhiên (CNG) có giá rẻ. Khoảng 80% ôtô tại Pakistan đang dùng loại nhiên liệu này.
Lấy dữ liệu từ Hiệp hội nghiên cứu quốc tế (AIRINC), Cổng thông tin năng lượng châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cục thông tin năng lượng Mỹ, Bloomberg vừa xếp hạng giá xăng tại 61 quốc gia trên thế giới.
Những nước này đều có thu nhập bình quân ngày từ 3,5 USD mỗi người trở lên. Giá được tính từ 31/3 - 29/4 với loại xăng không chì thông thường. Trong danh sách 61 nước được xếp hạng không có Việt Nam.
Từ ngày 22-4, liên bộ Tài chính – Công thương Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, trừ dầu madut. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 ttăng thêm 214 đồng/lít, thành 24.900 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng thêm 210 đồng, thành 25.400 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S tăng khoảng 170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 130 đồng/lít. Riêng giá dầu madut được điều chỉnh giảm 61 đồng/kg. Như vậy, so với giá xăng tại Mỹ là 20.600 đồng thì giá tại Việt Nam đắt hơn đến 4.300 đồng/lít. |