Theo đó, tại kì điều hành giá xăng dầu ngày 19-8 của liên bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng đã tăng trở lại sau bốn lần giảm liên tiếp trước đó. Theo lý giải của liên bộ, nguyên nhân giá mặt hàng này tăng trở lại là do giá xăng thành phẩm thế giới biến động tăng.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý trong kì điều hành vừa qua là giá xăng đã chịu tác động từ việc thay đổi cách tính thuế TTĐB theo quy định mới đã khiến giá xăng sinh học E5 tăng 975 đồng/lít, xăng RON 92 tăng 675 đồng/lít.
Cụ thể, ngày 6-4-2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 106 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế.
Ngày 1-7-2016, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung trên do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Người tiêu dùng đang phải gánh rất nhiều loại thuế, phí xăng dầu.
Theo Nghị định 100 có hiệu lực từ 1-7-2016, thuế TTĐB đối với xăng được tính trên giá bán ra của doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất. Đối với mặt hàng xăng dầu, giá bán ra hiện nay được quy định gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn, thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB,….Nghĩa là thuế TTĐB (10%) theo cách tính mới sẽ được tính trên tổng các loại thuế phí khác.
Trong khi đó, theo quy định cũ, thuế TTĐB đối với xăng dầu chỉ cần tính dựa trên thuế nhập khẩu và giá nhập khẩu. Nói cách khác, thuế TTĐB tính theo cách cũ là tính theo đầu vào còn cách mới tính theo đầu ra của hàng hóa.
Một chuyên gia lĩnh vực xăng dầu cho rằng, cách tính thuế TTĐB mới sẽ tạo gánh nặng lên người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, phí. Theo tính toán, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đã khiến giá cơ sở xăng chênh khoảng 100-200 đồng/lít so với cách tính trước đây.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính cho rằng, thu thuế xăng dầu là nguồn thu thuế lớn. Hiện thuế nhập khẩu giảm nên để đảm bảo nguồn thu thì phải tăng nguồn thu khác. Ở các nước, khi muốn tăng nguồn thu có thể tăng thuế bảo vệ môi trường, nhưng mức thuế này ở VN đã tăng khá mạnh từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít vào tháng 5-2015. Do đó, dư địa tăng thuế này gần như không còn, buộc Bộ Tài chính phải tìm tới phương án tăng các loại thuế khác như thuế TTĐB.
Theo ông Long, lâu nay Bộ Tài chính vẫn cho rằng, thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng nên làm căn cứ giá tính thuế phải là giá bán. Vì thế đợt điều chỉnh giá xăng vừa rồi, khi áp dụng cách tính thuế TTĐB theo Nghị định mới đã đẩy giá xăng tăng lên.
“Với mức chênh lệch từ 100-200 đồng một lít do cách tính thuế TTĐB đã làm cho người dân và doanh nghiệp phải chịu. Một năm tiêu thụ 12 triệu tấn xăng dầu (mỗi tấn xăng dầu 1.270 lít) thì mức thuế phải chịu là rất lớn”- Ông Long phân tích.
TS Ngô Trí Long cho rằng, cách tính thuế TTĐB theo giá bán ra đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng với một số mặt hàng có điều kiện như thuốc lá, rượu bia. Tuy nhiên đối với mặt hàng xăng dầu, cơ quan quản lý không nên tính thuế TTĐB bởi đây là mặt hàng dân sinh, có tác động đến sống người dân và nền kinh tế. “Đáng ra chúng ta nên bỏ thuế TTĐB với xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân, kích thích sản xuất”- Ông Long kiến nghị.