Sinh năm 1983, bước vào nghề một cách chuyên nghiệp chỉ từ năm 2012 nhưng Huy Nguyễn đã nhanh chóng tạo lập được tên tuổi, thành tích với những sáng tạo riêng và những khát vọng bay bổng cho nghề.
Cậu bé quê tự mày mò làm ảo thuật
Từ năm học lớp 6, cậu bé Huy nghèo ở làng quê Diên Khánh, Khánh Hòa đã say mê ảo thuật. Bất cứ đoàn tạp kỹ hay cải lương nào có phần văn nghệ tổng hợp đến diễn ở vùng quê mình mà có màn ảo thuật là Huy tìm cách vào xem. Khi xem cậu quan sát, mê mải và suy nghĩ dữ dội làm sao mà nghệ sĩ ảo thuật diễn được như vậy, làm sao biến được món đồ vào cái chai, làm sao biến ra được đồ vật, làm sao từ cái này biến thành cái kia… Quê nghèo, nhà nghèo nhất xã, làm không đủ ăn, không được ai và không có ai chỉ dạy cả, chỉ tự suy nghĩ tìm ra cách, vậy mà Huy làm được nhiều trò ảo thuật, làm thành công và biểu diễn cho bạn bè nhỏ tuổi quanh mình xem.
Vậy rồi cậu bé Huy nổi tiếng ở xã của mình với tài diễn ảo thuật bắt mắt như xé tờ báo rách biến thành tờ báo lành, nhét khăn vô cái chai, ảo thuật những lá bài, nuốt lưỡi lam kéo ra từ miệng thành một dải lưỡi lam… Tất cả trò diễn đều do Huy tự học, tự nghĩ. Lớn chút nữa thì có vài lần Huy xuống nhà sách ở thị xã Diên Khánh mua sách dạy ảo thuật về xem. Khi Huy 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học, có đoàn xiếc-ảo thuật tư nhân mang tên Làn Sóng Xanh ghé xã biểu diễn. Những cô chú ở UBND xã vì mến tài Huy đã tìm trưởng đoàn giới thiệu Huy. Sau khi trưởng đoàn xem Huy diễn đã đồng ý nhận Huy vào đoàn. Lang thang theo đoàn gần một năm trời thì mẹ bệnh nặng, Huy đành phải bỏ nghề quay về nhà bên mẹ. Vì thời ấy điện thoại di động chưa phổ biến nên gia đình sợ mẹ Huy có mệnh hệ gì thì không biết Huy đang diễn ở phương nào mà kêu về.
Khi chuyện nhà đã xong, Huy khăn gói vào Sài Gòn làm công nhân may, làm nhân viên giao bánh pizza để kiếm sống. Những tưởng đam mê ảo thuật phải chôn vùi nhưng Huy mỗi khi có thể vẫn cố gắng tìm tòi sách vở, lên Internet để học hỏi về ảo thuật. Nghe chỗ nào có diễn ảo thuật là Huy tìm xem hay nơi nào có những buổi sinh hoạt câu lạc bộ ảo thuật là tìm đến tham gia. Ngoài giờ đi làm Huy xin đi diễn ở các tụ điểm, các quán cà phê, các đoàn lô tô...
Đến năm 2012, Huy đăng ký tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent và gây ấn tượng cho khán giả với những trò như bức tranh xuất hiện một cô gái, một con trâu thật bước ra từ tranh, người bay trên không… Tuy chỉ vào đến bán kết cuộc thi này nhưng Huy được cả nước biết mặt. Đặc biệt Huy được giới làm nghề, bầu show biết đến, công nhận, nhớ tên để bước vào con đường chuyên nghiệp. Huy bắt đầu diễn cho những show lớn, diễn chung với những nghệ sĩ tên tuổi như Hoài Linh, Thanh Bạch, Thành Lộc…, được mời tham gia liveshow của ca sĩ Lệ Quyên, được mời diễn ở các sự kiện với cát xê đã hơn hàng chục, hàng trăm lần trước đây.
Huy trở thành thành viên của hai hiệp hội ảo thuật quốc tế I.B.M và I.M.S, rồi được trao giải Merlin của Hội Ảo thuật thế giới.
Ảo thuật gia Huy Nguyễn mong muốn được khán giả trầm trồ tài năng của mình như một phù thủy hơn là một nhà ảo thuật.
“Tôi có thể làm biến mất tượng Trần Hưng Đạo!”
Có một điều rất đặc biệt là Huy Nguyễn gần như tự học và tự làm đạo cụ cho tất cả trò diễn của mình dù phức tạp đến đâu. Hỏi Huy “Vậy anh giỏi như thế nào để được nhận giải Merlin đẳng cấp của ảo thuật thế giới?”, Huy nói anh được trao giải chính nhờ sự sáng tạo trong nghề nghiệp. Chẳng hạn như khi người ta diễn biến hóa với những chiếc vòng, Huy diễn nó với những móc áo. Người khác diễn người bay trên sân khấu, còn Huy diễn người bay bất cứ ở đâu. Huy đến trước Nhà hát Hòa Bình, anh chàng đang đi bỗng tự nhiên như đang bay lên, ngồi lơ lửng trên không đọc sách.
Huy nói diễn trên sân khấu, người xem sẽ có suy nghĩ người diễn đã có thời gian và phương tiện kỹ thuật chuẩn bị trước. Còn diễn giữa đời thường, bất ngờ người bay lên hay biến hóa gì đó thì người xem có cảm giác người diễn như một phù thủy. Huy đang ấp ủ kế hoạch diễn người bay trên xe máy, chẳng hạn anh đang chở một cô gái trên xe máy đi giữa phố, bỗng dưng biến cô gái bay lên rồi hạ xuống yên xe...
Về ảo thuật VN, Huy cho rằng: “Ảo thuật Việt đang rất phát triển, có thể làm bất cứ trò gì ảo thuật thế giới đã làm. Ngay cả trò làm biến mất tượng nữ thần của David Coperfield. Ảo thuật gia Tony Quang từng xin chính quyền cho biến mất tượng Trần Hưng Đạo tại TP.HCM nhưng không được cho phép. Bản thân tôi cam kết cũng làm được như vậy nếu có tài trợ vài trăm triệu đồng và được cho phép. Cái thiếu của ảo thuật VN hiện nay chỉ là sự sáng tạo. Nhiều người diễn không chịu sáng tạo mà chỉ bắt chước nhau mà thôi”.
“Vì sao ảo thuật VN ít có nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ hay nghệ sĩ sân khấu?”. Huy lý giải: Do người xem ảo thuật VN không mang tâm lý thưởng thức tài nghệ ảo thuật gia như thế giới mà chỉ tò mò lo bắt bài người diễn. Nghệ sĩ ảo thuật Việt đang rất cần những liveshow riêng để tạo dựng danh tiếng, đánh động khán giả và Huy đang ấp ủ một liveshow riêng để khán giả nhớ đến mình.