Cuối tháng 3-2009, giới ảo thuật miền Nam lặng đi khi biết tin ảo thuật gia Lê Văn Quý từ trần. 94 năm rong ruổi cuộc đời ảo thuật khắp đất Nam Bộ - Sài Gòn rồi cũng khép lại trong thương nhớ của đồng nghiệp và khán giả. Tôi hẹn với diễn viên Mạc Can, người đồng nghiệp, học trò và cũng là con ruột của ông Quý, để trò chuyện. Mạc Can đã lấy cảm hứng từ cha mình để tạo nên nhân vật người cha trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, cho dù nhân vật trong truyện chỉ có 10% là nguyên mẫu, còn lại được hư cấu thêm.
Một đời với nghề
Sài Gòn có lịch sử 300 năm, ông Quý chỉ bắt đầu biểu diễn từ những năm 20 của thế kỷ 20 nhưng nhiều người vẫn đánh giá ông là ảo thuật gia chuyên nghiệp đầu tiên của Sài Gòn. Vì lẽ nghề ảo thuật cũng giống nghề ca hát sân khấu, được khán giả thích song lại xem thường như xướng ca vô loài. Người ta thích thú xem ảo thuật nhưng coi các ảo thuật gia là nghề bịp. Ảo thuật trước đây chỉ là những tiết mục nhỏ lẻ chen lẫn trong các chương trình khác. Người biểu diễn ảo thuật hay kiêm nhiều trò khác, họ thường chỉ có vài trò đơn giản truyền nhau qua lại kiếm sống độ nhật nên cũng không đầu tư nghiên cứu làm gì. Chỉ đến ông Quý mới nâng tầm ảo thuật lên thành chuyên nghiệp. Một số gương mặt tiêu biểu khác như Nguyễn Đại Bàng, Nguyễn Thành Long... cũng vẫn sau ông.
Là con trong một gia đình giàu có ở đất Bạc Liêu nhưng không hiểu vì sao ông Quý lại thích bỏ nhà đi lang bạt kỳ hồ từ khi còn rất trẻ. Ông chọn con đường làm nghề ảo thuật kiếm sống không phải vì chuyện mưu sinh thông thường mà vì bản thân ông thực sự yêu thích nghề đó. Giai đoạn đầu ông mở gánh theo kiểu Sơn đông mãi võ nhưng biểu diễn ảo thuật chính là để bán thuốc. Ông là người hoạt ngôn, miệng mồm khéo léo, nói chuyện cực kỳ có duyên khiến khán giả gần như bị mê hoặc. Đáng tiếc là khi chuyển qua biểu diễn ảo thuật thuần túy khả năng này bị hoài phí do người biểu diễn ảo thuật chủ yếu dùng các động tác là chính.
Có rất nhiều ảo thuật gia nhưng thực sự sống được hoàn toàn bằng nghề ảo thuật số này rất hiếm hoi. Ông Quý là người như vậy, bởi tính tình phóng khoáng, ông không đòi hỏi nhiều. Ông đam mê nghề đến nỗi sau này khi quá lớn tuổi, không còn đi biểu diễn nữa, có những lúc rảnh rỗi ngồi hóng mát trước hiên nhà, con nít có mấy đứa đi ngang qua thấy ông đứng ngoài hàng rào nhìn vô, vậy là ông lại lấy mấy món đồ nghề ra biểu diễn bày trò cho chúng nó.
Mạc Can kể ông rất thích mỗi khi được nhà văn Nguyễn Đông Thức rủ đi làm từ thiện. Trong khi chờ phát quà ông biểu diễn mấy trò ảo thuật cho bọn trẻ xem. Chúng nó hào hứng xúm xít kêu “ông Tiên ơi (một nhân vật ông đóng phim), ông biến cho tụi con xem đi...”.
Cái máu ảo thuật nó chảy trong huyết quản, chỉ đến khi nằm liệt giường ông Nguyễn Văn Quý mới thôi diễn.
Ảo thuật gia siêu đẳng
Ông Quý được mệnh danh là vua ảo thuật trò nhỏ vì ông chỉ thích làm trò nhỏ. Có thông tin cho rằng ông thích làm trò nhỏ vì nghèo không có tiền đầu tư đạo cụ là không đúng. Ông Quý từng làm nhiều trò lớn, ví dụ như trò chồng hai chiếc ghế rồi cho một cô gái ngồi lên trên cùng, sau đó phủ vải làm mất ghế mà cô gái vẫn lơ lửng trên không (bí mật của trò này là chuyển ghế giấu dưới sàn sân khấu nên sân khấu nào không có miệng hầm trên sân khấu thì phải bỏ không diễn).
Chẳng qua là ông Quý thích đạo cụ gọn nhẹ, ông không thích dùng rương hòm, thùng chứa lỉnh kỉnh. Ông chỉ cần một tấm khăn, đồ nghề bỏ vào tấm khăn đó túm lại là mang đi biểu diễn hằng tháng được rồi.
Ông Quý có tay nghề biểu diễn tuyệt luân mà Mạc Can và cả một số ảo thuật gia sau này cũng thừa nhận không thể khéo tay bắt chước theo được. Nghề biểu diễn ảo thuật đường phố là cực khó vì khán giả đứng gần sát, lại vây xung quanh nên rất dễ “bể mánh” mà ông Quý diễn ngọt xớt. Ông lại ứng biến giỏi nên những khi bị khán giả cắc cớ rình theo dõi vừa lật tẩy, ông khéo léo chuyển ngay trò đang diễn qua trò khác y như người giỏi võ chuyển ngay thế võ bị đối phương bắt bài.
Đồng nghiệp nể nhất ở ông là các tiết mục ảo thuật liên quan đến lá bài. Không chỉ do ông quá khéo tay, khó ai bắt chước được mà ông còn tìm tòi ra rất nhiều trò mới lạ chứ không được ai dạy và truyền nghề, bởi có ai đi trước hơn ông được. Có những tiết mục của ông đến nay chỉ còn là huyền thoại, không ai tìm ra được bí quyết, ví dụ ông để cả bộ bài xòe ra cho khán giả thi nhau chọn lá bài của họ rồi bỏ vô lại, xào lên, sau đó cầm cả bộ bài mà ông búng lần lượt các lá đã chọn trước đó bay xuyên qua tấm khăn mỏng ra ngoài trong sự ngơ ngác của khán giả.
“Thần bài” trên sân khấu, con bạc cháy túi ở ngoài đời
Dù rất yêu quý và ngưỡng mộ cha nhưng diễn viên Mạc Can cũng không hề giấu giếm khi nói về khuyết điểm của cha mình: “Ai cũng có khuyết điểm, mà khuyết điểm của cha tôi quá lớn, đó là cha quá mê bài bạc. Ông lẽ ra đã có rất nhiều tiền nhờ tài năng của mình nhưng lại mất tất cả cho đỏ đen”.
Đúng là khó ai có thể tin nổi sự thật này. Ai có thể tin một ảo thuật gia với bàn tay điêu luyện biến hóa những lá bài theo ý mình, lại có thể thường xuyên thua bài. Ngay người chơi cũng nói: “Ai mà chơi lại ông Lê Văn Quý, “chả” có thể biến bài bù thành chín nút, biến bài thường thành ba Tây... đánh với chả chỉ có cháy túi”. Thế nhưng người thường xuyên cháy túi lại chính là ông Quý.
Đấy là sự khác nhau giữa ảo thuật và đời thường. Trên sân khấu phép thần thông biến hóa lá bài chỉ là những thủ thuật đơn giản không ai ngờ đến, còn ngoài đời là trăm phương ngàn kế, thiên biến vạn hóa. Ông Quý thua bài vì những lẽ đơn giản: Bài có rủi ro, nhận được những quân bài xấu thì có tính toán giỏi mấy cũng chưa chắc đã đổi vận. Thứ hai, người ta nói cờ bạc ăn nhau về sáng. Ông Quý mê bài bạc cũng như mê ảo thuật, ông ngồi đánh đến hết sức hoặc hết tiền mới thôi, ngồi lâu đầu óc mụ mị, có giỏi đến mấy rồi sai lầm, thua sạch bách.
Cuối cùng là cờ gian bạc lận. Có đánh giỏi đến đâu mà đụng cờ bạc bịp vẫn tiêu. Những khi gặp người đánh chung đều là tay trong của nhà cái, họ có ám hiệu để báo bài hoặc hợp lực tiến thủ thì nạn nhân chỉ có đường bị dồn vào ngõ cụt.
Ông Quý cũng có cơ may đổi vận, khi cha ông chết, di chúc để lại cho ông một vườn trái cây lớn ở Lái Thiêu. Ban đầu ông không được nhận vì không đúng tên. Cha ông tên Nguyễn Văn Quờn, di chúc cho ông là Nguyễn Văn Quới. Tên Lê Văn Quý không phải tên thật, là nghệ danh thôi. Lúc đầu không lấy tên thật nhưng rồi chết tên theo câu vè: “Lê Văn Quý, mắt hí hí, đầu có chí, ăn mứt bí, nhổ răng thí, vợ cao như cây đèn quý” mà lấy nghệ danh luôn vào giấy căn cước. Cả họ phải họp lại xác định đúng tên đúng người, rồi cho người lên quận, lên tòa cam đoan thì ông Quý mới nhận được khu vườn.
Do ông Quý luôn đi diễn nên ông giao khu vườn lại cho người con trai trưởng coi giữ. Ai ngờ người con trưởng lại đam mê cờ bạc nên khu vườn cũng nhanh chóng ra đi. Thế là ông Quý cả đời trắng tay vì bài bạc kể cả khi ông đã không bài bạc nữa.
PHẠM TRƯỜNG GIANG
Nghệ sĩ Mạc Can:
Đừng so sánh ảo thuật của tôi với cha tôi, tội nghiệp lắm
Cha tôi biết tiếng Pháp (do hồi nhỏ được học trường Tây), ngoài ra ông còn biết tiếng Trung Quốc, tiếng Campuchia. Má tôi là người Quảng Đông, bị ông tán đổ, chấp nhận bỏ nhà theo cha tôi sống phiêu bạt đến hết đời.
Ông thường thức thâu đêm suốt sáng để nghiên cứu nghĩ ra trò mới. Mỗi khi tìm ra trò mới ông lại gọi tôi tới biểu diễn cho xem. Ông tìm ra những điều ít ai ngờ. Như ảo thuật với rubik, ông mày mò chế biến thế nào mà đưa cục rubik cho khán giả vặn chỉnh tùy thích, khi đưa lại ông chỉ cầm ném lên một cái, trong vài giây rơi xuống khối rubik đã trở lại sáu mặt, sáu màu như cũ.
Tôi chỉ học lỏm cha tôi sau cánh gà được một ít vì 14 tuổi tôi cũng bỏ nhà đi lang bạt y như cha hồi trước. Tài ảo thuật của tôi chỉ là dùng hài hước để khán giả cười, chớ đừng so sánh tôi với cha tôi tội nghiệp lắm. Nói về ảo thuật thì đúng là “cha dạy học, con đốt sách”. Tài của cha tôi là siêu đẳng.