Năm 1992, Siêu thị Co.opmart được mở ra đánh dấu hình thức bán lẻ mới sau năm 1975. Với những người sinh sau đẻ muộn, siêu thị là điều gì đó rất mới mẻ, hấp dẫn còn những người lớn tuổi không ngạc nhiên vì trước đó 25 năm, Sài Gòn đã mở siêu thị đầu tiên. Hiện nay nhiều người bắt đầu lo ngại khi các đại gia Thái Lan không chỉ đưa hàng Thái tràn ngập vào siêu thị trong nước mà họ còn ra tay mua lại hệ thống Big C và Metro là hai thương hiệu lớn. Có vẻ như người Thái sẵn sàng cho công cuộc thâu tóm dần hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. 50 năm trước, người Thái còn phải “lót dép” ngồi học hỏi Việt Nam cách làm siêu thị là thế nào. Vậy mà bây giờ họ lại là nỗi lo ngại cho siêu thị Việt Nam!
Sự kiện thu hút người dân trung lưu tấp nập tìm đến
“Tui còn nhớ như in lần đầu tiên bước vô siêu thị. Trời ơi sướng không thể tả, trời Sài Gòn nắng nóng mà vô siêu thị cứ mát rượi vì có điều hòa” - ông Huỳnh Thanh Trung, 77 tuổi, nhà ở quận 3, nhớ lại. “Các gian kệ đầy ắp đồ, giá niêm yết sẵn, cứ coi giá mà lựa mua, không phải lo trả giá có hớ hay không, nhứt là với đàn ông đi chợ rất ngại khoản này. Tui còn nhớ trước cửa có một dàn xe đẩy và một mớ giỏ nhựa có quai xách để ai mua ít thì lấy giỏ cho lẹ. Cuối siêu thị có sáu quầy tính tiền dùng máy tự động, mấy cô thu ngân bấm bấm ra số tiền ngay luôn, rất lẹ. Trong đó có một quầy dành cho mấy người mua ít đỡ phải xếp hàng chờ lâu, kế bên quầy này là lối ra cho ai vô mà không mua hàng…”.
Những gì mà ông Trung kể không khác gì ở các siêu thị hiện nay nhưng cách đây 50 năm là điều cực kỳ mới mẻ và tiện lợi so với cách mua hàng truyền thống ngoài chợ, vừa nóng nực vừa dơ bẩn, sợ cân thiếu và nói thách…
Thực ra trước đó ở Sài Gòn cũng đã có một ít siêu thị rồi nhưng là của Mỹ, dành riêng cho sĩ quan và lính Mỹ, gọi là shop bán hàng P.S. Hay Siêu thị Commissary, còn gọi là chợ Mỹ, nằm trên đường Hùng Vương- Chợ Lớn, chuyên bán cho ngoại kiều Mỹ, còn người Việt vẫn chưa một lần được trải nghiệm loại hình này.
Chính vì vậy cách bán hàng tiện lợi, văn minh của siêu thị đã trở thành một sự kiện thu hút người dân trung lưu ở Sài Gòn tấp nập tìm đến. Trong các bức ảnh tư liệu cũ cho thấy rất nhiều phụ nữ mặc áo dài khi đến siêu thị là những công chức, nhân viên văn phòng gần đó đến mua hàng.
Cảnh mua hàng bên trong siêu thị.
Lơ ngơ học làm siêu thị
Năm 1966 do kinh tế miền Nam bị Hoa kiều thao túng, những mặt hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng hằng ngày như gạo, thịt, đường, sữa… thường xuyên biến động, giá cả lên xuống thất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân. Chính quyền Sài Gòn đã lập nên Tổng cuộc Tiếp tế do ông Trần Đỗ Cung làm tổng cuộc trưởng nhằm tìm cách góp phần ổn định thị trường, đặc biệt là thành phần công chức hay quân nhân vốn lãnh lương cố định, rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá.
Bên cạnh việc thu mua, tổ chức chăn nuôi và phân phối số lượng lúa gạo, thịt heo…, ông Cung còn nảy ra ý định mở các điểm bán lẻ nhu yếu phẩm phục vụ công chức. Để nghiên cứu thực hiện, ông lên đường sang thủ đô Manila của Philippines để tham quan hệ thống siêu thị của Tập đoàn Makati không chỉ ở việc bán lẻ mà còn gia công chế biến thực phẩm. Trên đường về, ông qua tiếp Hong Kong, Singapore nghiên cứu hệ thống siêu thị ở đây.
Về nước, ông Cung lập nên một ủy ban nghiên cứu thói quen tiêu dùng và mở nguyệt san Siêu Thị để huấn luyện nhân viên bán hàng. Trong khi chờ xây dựng siêu thị, ông Cung tổ chức Chợ tết 1967 tại số 33 Nguyễn Du với cách bán hàng “tự chọn tự lấy” để người dân quen với thói quen tiêu dùng mới. Hết tết, ông Cung vẫn duy trì cách bán này ở hành lang trụ sở tổng cuộc cho đến khi xây xong siêu thị.
Siêu thị được xây dựng ở số 42 Chu Mạnh Trinh, một khu vực vắng vẻ không có chút gì phù hợp với việc mở nơi buôn bán. Đơn giản vì đây là khu nhà kho mái tôn cũ, kế bên trụ sở Tổng cuộc Tiếp tế. Với diện tích 3.000 m2 (50 x 60 m) vừa là chỗ bán hàng, kho chứa hàng và chỗ để xe.
Khách đông nghìn nghịt
Dù địa thế nằm ở nơi heo hút nhưng ngay ngày khai trương và suốt hàng tháng sau, lúc nào cũng có “cả đoàn xe Honda, Mobylette và Vespa rầm rập kéo đến chở vợ con hí hửng bước vào ngôi chợ tối tân mới mở cửa, phục dịch khách mua hàng một cách niềm nở và lịch sự” (trích hồi ký). Chỉ vài tuần sau khi khai trương, máy đếm số người đặt ở cửa ra vào đã nhảy lên con số 10.000. Vị khách đặc biệt này được lãnh đạo siêu thị trao tặng ngay 10.000 đồng.
Người ta đến siêu thị không phải chỉ vì tò mò, ngoài mặt hàng phong phú đa dạng, được phục vụ lịch sự, siêu thị có giá rất tốt, nhiều mặt hàng rẻ hơn cả ngoài chợ do không bị nói thách và bản thân siêu thị được lập ra không phải cho mục đích kinh doanh mà để phục vụ nên giá rất mềm.
Khu vực đặc biệt hấp dẫn khách là thực phẩm. Khách lần đầu thấy thịt heo, bò được máy cưa xẻ rất nhanh gọn và vệ sinh, đặc biệt là hàng đông lạnh. Người Việt vốn quen truyền thống mua hàng tươi và ăn ngay, nay tiếp xúc với hàng hóa đông lạnh. Thịt ba rọi hay gà đông lạnh bán rất chạy và từ ngữ “gà đông lạnh” dần phổ biến lúc đó. Rau quả trong môi trường lạnh rất được chị em phụ nữ ưa chuộng.
Trong hồi ký xuất bản năm 2011, ông Cung kể lại một chi tiết thú vị: Có một người lớn tuổi đến xin được cung cấp rau tươi cho siêu thị mà ông Cung nhận ra ngay đấy chính là… ông chủ cũ của mình từ mấy chục năm trước, khi đi làm nghề chụp ảnh thuê ở cửa hiệu Kim Photo ở phố Cửa Nam Hà Nội. Nay vật đổi sao dời, họ gặp lại nhau ở Sài Gòn khi cùng làm công việc bán lẻ.
Làm cách nào đề phòng tình trạng trộm cắp khi siêu thị cho người mua tự lấy hàng hóa mang ra? Điều này đã được tính đến và đề phòng thông qua lắp đặt hệ thống truyền hình hữu tuyến để giám sát. Ngoài ra, giai đoạn đầu siêu thị chỉ phục vụ cho những người có thẻ hội viên, muốn có thẻ hội viên phải là công chức hoặc quân nhân, sau dần mở ra cho thân nhân của họ.
Truyền đạt kinh nghiệm cho Thái Lan
Sau một thời gian hoạt động, ông Cung được Học viện Siêu thị (SMI - Super marketing Institute) mời sang Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà buôn Thái, trình bày cho họ thấy các khó khăn khi khởi đầu một siêu thị, những nhược điểm gặp phải và phản ứng của khách hàng... Mục đích của chuyến đi là để khuyến khích các nhà kinh doanh Thái mạnh dạn cải tiến phương pháp buôn bán hiện đại, vì lúc đó ngay ở Bangkok họ vẫn chỉ duy trì phương pháp bán lẻ truyền thống là các tiệm tạp hóa nhỏ rải rác, như cách người Hoa vẫn làm trước đó. Thời điểm đó Bangkok vẫn chậm chạp đi sau Sài Gòn trong việc phổ cập mạng lưới siêu thị mới mẻ.
Sự thành công ban đầu của Siêu thị Nguyễn Du đã mở đường cho một loạt siêu thị khác của tư nhân ra đời. Ông Trần Đỗ Cung đã thành lập Trung tâm phát triển siêu thị tại Việt Nam và trở thành chủ tịch với mục tiêu mở rộng, phát triển hệ thống siêu thị tại Sài Gòn và lan ra các tỉnh, thành khác.
Đến năm 1973, Tổng cuộc Tiếp tế trở thành Tổng cuộc Thực phẩm Quốc gia và không còn quản lý Siêu thị Nguyễn Du nữa, giao việc này cho tư nhân.
Sau năm 1975, các siêu thị dừng hoạt động, Tổng cuộc Thực phẩm Quốc gia đã trở thành Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Khu vực Siêu thị Nguyễn Du năm xưa trở thành hội trường và nhà ăn tập thể. Những chủ nhân mới ở đây không mấy ai biết rằng mỗi trưa họ ngồi ăn tại nơi đã từng là siêu thị đầu tiên của đất nước.
Trang thiết bị hiện đại hơn cả bây giờ Có thể bạn đọc sẽ bất ngờ nếu biết rằng 50 năm trước, Siêu thị Nguyễn Du đã có những trang thiết bị hiện đại và tiện dụng hơn cả bây giờ. Ví dụ như bàn lăn NCR ở quầy tính tiền, tức là khách chờ xếp hàng tính tiền cứ bỏ hàng hóa lên quầy, bàn lăn sẽ tự động chuyển hàng hóa chạy dần đến thu ngân sau khi tính tiền xong người trước, chứ không phải dùng tay chuyển từng món đồ như hiện nay. |