SÀI GÒN NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN, NHẤT - BÀI 3

Ngôi trường trung học đầu tiên

Sâu phía trong sân trường Lê Quý Đôn, trên bãi cỏ trước phòng truyền thống có một tấm bia đá có chữ ký của quốc vương Campuchia Sihanouk, nội dung trên tấm bia cho biết quốc vương đã từng học tại đây vào năm 1941, khi mới 14 tuổi, trước khi trở về nước để lên ngôi vua. Mãi đến sau này, cách đây bảy năm khi sang thăm Việt Nam, quốc vương Sihanouk muốn về thăm trường cũ và trồng cây lưu niệm nhưng vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được, tấm bia đá đã được Đại sứ quán Campuchia gửi tặng làm kỷ niệm và được đặt vào nơi dự định sẽ trồng cây.

Ngôi trường của những người nổi tiếng

Quốc vương Sihanouk không phải là người nổi tiếng duy nhất từng học tại đây, trong danh sách những người nổi tiếng, người ta có thể thấy từ những nhà yêu nước như Cao Triều Phát, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Chương, kỹ sư Lưu Văn Lang, GS Trần Văn Giàu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Trịnh Xuân Thuận, BS Nguyễn Văn Hưởng, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, tướng Dương Văn Minh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… đều đã từng học dưới mái trường này.

Đến nay trường đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc của Pháp. Nhiều cựu học sinh xa xứ khi có dịp trở về trường cũ đều cho rằng nét cổ kính của ngôi trường hơn một thế kỷ qua vẫn không thay đổi.

Hiện khu nhà mà trước đây dành cho học sinh người nước ngoài được giữ gìn rất cẩn thận. Bây giờ trường đặt tên là khu nhà Đại lộ thế kỷ để lưu lại sự tồn tại qua bao biến cố, thời gian của khu di tích này. Khu nhà này có tất cả 10 phòng học, một thư viện và một phòng dành riêng cho giám thị người Pháp để giám sát học sinh.

Một học trò cũ về thăm lại trường với tượng Lê Quý Đôn mới dựng sau này.

Chương trình y hệt chính quốc

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp sinh sống tại Sài Gòn, vào ngày 14-11-1874, Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz đã ký quyết định thành lập một ngôi trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn với chương trình giảng dạy hệt theo chính quốc, từ tiểu học đến tú tài.

Trường được xây trên nền của rạp hát bộ của Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt trong khu vực làng Xuân Hòa, vết tích của làng hiện nay còn lại là đình Xuân Hòa ở đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng). Địa thế nơi xây dựng trường hết sức đẹp: Trường nằm trên một khu đất lớn với bốn mặt tiền, cửa chính nằm ngay trên đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đối diện với hông trái của dinh Thống đốc Nam Kỳ. Ba mặt còn lại giáp với các đường Rarbet, Testard (nay là Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần). Riêng cạnh đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), trường nằm sát với bờ thành Quy (Bát Quái) xây năm 1790 và Minh Mạng hạ lệnh phá hủy năm 1835. Thời gian đó khu vực này là làng Tân Khai, huyện Bình Dương, đất Gia Định về sau thuộc về đất Sài Gòn.

Cũng chính nhờ có bốn mặt tiền mà trường có kết cấu theo bố cục hình chữ “khẩu” với bốn dãy nhà lớn vuông vức kết nối với nhau.

Trường được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877 nhưng thực sự hoàn tất thì phải tới năm 1882 với hàng cây me chung quanh. Ban đầu trường được đặt tên là Collège Indigène (Trung học bản xứ) rồi sau này được đặt tên lại là Collège Chasseloup Laubat, theo tên vị bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa), vốn là người đã thuyết phục hoàng đế Napoleon đệ tam áp đặt chế độ thuộc địa trên đất Nam Kỳ và vùng Cao Miên, tức Chasseloup Laubat là một nhân vật đặc trưng cho chế độ thực dân Pháp lúc đó. Lý do chọn tên của ông này cũng đơn giản: Đặt theo tên con đường đi ngang qua trường. Còn người dân Sài Gòn lại gọi Trường Chasseloup Laubat là Trường Bổn Quốc Sài Gòn cho dễ nhớ.

Nhiều lần đổi tên

Trong giai đoạn đầu, Trường Chasseloup Laubat chỉ thu nhận học sinh là người Pháp. Mãi tới đầu thế kỷ 20, với nhu cầu ngày càng tăng của số lượng học sinh, trường nhận thêm học sinh người Việt Nam nhưng phải là người có quốc tịch Pháp.

Để tỏ rõ sự phân biệt, trường chia làm hai khu, trong đó khu vực dành cho học sinh người Pháp gọi là Quartier Européen, khu vực dành cho học sinh người Việt Nam gọi là Quartier Indigène - khu bản xứ. Học sinh cả hai khu vực đều học chung một chương trình giáo dục của Pháp, thi tốt nghiệp lấy văn bằng tú tài Pháp. Tuy nhiên, học sinh người Việt có học thêm giờ bằng tiếng Việt, khu vực người Âu có thêm giờ học tiếng Tây Ban Nha. Học sinh cả hai khu vực này nếu đậu tú tài đều được dự thi vào Trường ĐH Đông Dương tại Hà Nội hay các đại học khác tại Pháp. Ngoài ra, trường còn nhận học sinh các nước Đông Dương hoặc các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…

Vào năm 1926, nhân sự kiện nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất, một số học sinh người Việt tại trường đã tổ chức bãi khóa và viết khẩu hiệu lên tường biểu lộ sự chống đối chế độ thực dân Pháp. Chính hành động này đã khiến qua năm sau, Toàn quyền Đông Dương lúc đó G. Gal ra một văn bản để lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Trường Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine.

Vẫn chưa yên tâm, qua năm 1928, Toàn quyền Đông Dương tạm quyền René Robert ký nghị định thành lập tại Chợ Quán một trường cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh bản xứ của Trường Chasseloup Laubat vào trường này, có sáp nhập một hệ trung học đệ nhị cấp bản xứ để thành lập một trường mới, về sau là Trường Petrus Ký.

Sau Hiệp định Genève, vào thời đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam, Trường Chasseloup Laubat được đổi tên là Trường Jean-Jacques Rousseau, mang tên một nhà tư tưởng lớn của Pháp, đồng thời việc xóa bỏ tên cũ cũng nhằm tránh gợi nhớ đến giai đoạn thuộc địa của Pháp. Do người Pháp rút về nước rất nhiều, học trò chủ yếu là người Việt Nam nhưng vẫn học theo chương trình giáo dục của Pháp và do người Pháp quản lý. Năm 1965, chính phủ Việt Nam Cộng hòa họp báo tuyên bố đoạn giao với Pháp, đóng cửa các trường Pháp để chuyển đổi dần dần thành các trường Việt ngữ hầu tránh tình trạng chỉ có “con ông cháu cha” hoặc con nhà giàu mới được học trường Tây như dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Mãi tới năm 1967, trường mới được Pháp trao trả cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Kể từ lúc này, trường mang tên gọi là Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn.

Sau năm 1975, trường tách thành Trường THCS Lê Quý Đôn và Trường THPT Lê Quý Đôn.

Trường xưa trong hồi ức của các học trò cũ

Cũng như các trường Petrus Ký, Taberd Saigon hay Marie Curie, Trường Chasseloup Laubat là nơi đào tạo ra biết bao thế hệ nhân tài trong nước. Mọi ngành nghề, mọi xu hướng chính trị. Vào niên khóa 1950-1951, cả miền Nam chỉ có Trường Chasseloup Laubat mở lớp luyện thi tú tài toàn phần Pháp cho cả ba ban triết, toán và khoa học, còn các trường trung học khác chưa có đủ khả năng mở lớp này. Mặt khác, cả miền Nam cũng chỉ đủ học sinh cho mỗi ban một lớp mà thôi.

TS Nguyễn Văn Tương nhớ lại: “Có lần cả lớp xếp hàng chờ vào lớp, thấy một cô gái Pháp được giám học dẫn theo rồi chỉ vào lớp, cả lớp xì xầm: “Đẹp thế này làm sao thi tú tài cho nổi?”. Có anh còn nói lớn: “Cô ấy là em tôi, để tôi kèm riêng”. Cô gái phớt tỉnh, đi tới trước lớp và khoát tay nói: “Mời vào!”. Té ra cô gái ấy lại là giáo sư”.

Cũng theo TS Tương, dù học khoa học nhưng vẫn có môn triết và môn này không nhiều học sinh Việt Nam có điểm cao, đặc biệt các học sinh nữ đều sợ môn này. Một cựu học sinh khác, ông Lê Thanh Hoàng Dân kể: “Lớp triết tôi học rất đặc biệt, GS Ansart thuyết giảng rồi sau đó để chúng tôi tự do thảo luận mọi vấn đề, từ lý thuyết của Karl Marx đến J. P. Sartre, đều là những tư tưởng rất thời thượng lúc đó. Lối giảng dạy của thầy rất hay, đó là để cho học sinh suy nghĩ độc lập hơn là nhồi nhét kiến thức. Trong lớp có một anh bạn say mê Karl Marx nên sau này đã đi theo kháng chiến. Phần còn lại phải đi quân dịch, nhiều người đã chết nơi chiến trường, không biết ở đâu nữa…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm