SÀI GÒN NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN VÀ NHẤT - BÀI 1

Ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên

Chỉ tay ra cửa, nơi con đường Trần Chánh Chiếu bề ngang chừng 6 m nay cảm giác rất rộng vì thưa thớt xe cộ qua lại, chị Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng gạo số 52 Trần Chánh Chiếu, thở dài nói: “Trước đây con đường này nhộn nhịp lắm, đông kín người đi lại vì nó là chợ, các hộ dân được bày hàng hóa ra kín vỉa hè, còn khách đi lại trên đường, xe cộ vận chuyển hàng hóa, người qua lại tấp nập”.

Phố-chợ- bến của Sài Gòn

Đi tìm lại lịch sử của chợ Trần Chánh Chiếu, trước hết phải bắt đầu từ nền giao thương “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn

Với đặc trưng vùng sông nước phương Nam có nhiều kênh rạch, tuy trở ngại cho đường bộ khi phải làm quá nhiều cầu nhưng mặt khác tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy. Sài Gòn tận dụng yếu tố này để tạo nên một bộ mặt giao thương “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp.

Chính vì vậy một số con đường ở ven kênh Sài Gòn không gọi là đường mà gọi là bến như bến Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Trần Văn Kiểu… Đây là nơi người ta bốc dỡ hàng hóa lên các nhà kho đồng thời là chỗ buôn bán khiến mô hình phố-chợ-bến nổi bật.

Về sau, việc mua bán ngày càng thuận lợi, diễn ra quanh năm, không chỉ bán sỉ mà còn bán lẻ nên những dãy nhà được thay đổi công năng, không còn chỉ làm kho chứa hàng hóa mà chuyển dần thành dạng nhà ống đô thị, vốn đan xen nhiều chức năng như vừa là chỗ ở, nơi sản xuất, gian phía trước dùng để mua bán. Hàng loạt ngôi nhà kiểu này liên kết thành dãy theo sát mặt phố, trở thành sản phẩm đặc thù của đô thị hóa Á Đông nói chung và Sài Gòn nói riêng. Hình thức đô thị dân gian giai đoạn này để lại những chứng tích rõ rệt trên bề mặt kiến trúc đô thị từ bờ kênh Tàu Hủ kéo dài đến các con đường khác ở quận 5 như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi…

Nhà ống cũng gia tăng kích thước, trở thành những kho lúa thật lớn mà người Việt gọi là chành, được đặt dài dọc theo kênh Tàu Hủ để đáp ứng tốc độ phát triển kinh doanh chóng mặt ở khu vực này.

Cảnh mua bán tấp nập ngày trước của chợ gạo Trần Chánh Chiếu. Ảnh: TƯ LIỆU

Sự hình thành ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên của Sài Gòn

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã mô tả lại: “Từ năm 1772, địa phương Sài Gòn trở nên thành phố với đầy đủ ý nghĩa của danh xưng này... Kể từ khi lúa gạo trở thành hàng hóa mà việc trao đổi và mua bán phần lớn thực hiện ở Sài Gòn, đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện nhất đối với toàn vùng và quốc tế thì phố và thị (chợ) mọc lên như nấm…”.

Việc buôn bán lúa gạo là một trong những tác nhân quan trọng góp phần tạo dựng nên sự phồn thịnh và phát triển của Sài Gòn ban đầu. Sự tập trung của việc buôn bán nông sản, trong đó có lúa gạo, bao gồm thuyền bè theo kênh rạch và xe trâu bò theo đường bộ dọc kênh Tàu Hủ. Sau này hàng loạt nhà máy xay xát được xây dựng tập trung dọc theo bến Bình Đông để đón lúa miền Tây chở lên, sau khi xay xát, đóng bao tiếp tục chuyển đến khu vực Chợ Lớn để phân phối. Chính quy trình chế biến kết hợp buôn bán khép kín này đã tạo ra ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên bán lúa gạo tại Sài Gòn.

Chợ ra đời năm 1750, có rất lâu so với nhiều địa danh khác của Sài Gòn. Suốt hàng trăm năm chợ nằm tại đường Trần Chánh Chiếu, giáp với đường Phú Giáo bây giờ. Trước đây chợ gọi theo tên đường, thời Pháp là đường Des Tamariniers rồi Ngô Tùng Châu, từ năm 1955 mang tên Trần Chánh Chiếu và chợ mang tên mới từ đó đến hơn 60 năm. Đây là một địa thế rất phù hợp với một chợ đầu mối, bởi chợ gần với bến Bình Đông - nơi bốc dỡ hàng đường thủy, lại gần với Bến xe Chợ Lớn - một trung tâm vận chuyển đường bộ trong khu vực. Xe tải, xe ba gác hay xe máy đều dễ dàng vận chuyển hàng hóa tới nơi cần thiết tùy theo số lượng. Nếu phố Hà Nội xưa chuyên gắn với sản xuất hàng hóa thì phố chuyên doanh ở Sài Gòn lại gắn với việc buôn bán hàng hóa.

Ban đầu chợ gồm các vựa gạo, khi mật độ giao dịch mua bán tăng vọt bởi nhu cầu thị trường, các vựa gạo phân hóa, phát triển và hình thành các dãy phố chợ bán gạo. Trên phố, mỗi căn nhà đều trở thành cửa hàng, ban đầu mỗi gian hàng bán một loại gạo khác nhau, dần dần bạn hàng đông, đa dạng hơn nên mật độ buôn bán cũng gia tăng, các cửa hàng đều bán nhiều loại gạo. Thậm chí số hộ kinh doanh gạo còn nhiều hơn cả số căn hộ, vì nhiều căn hộ được những người trong gia đình hay bạn bè cùng hùn thuê, mỗi người bán một khoảnh nhỏ. Chợ đầu mối nên có những sạp chỉ cần chưa đầy 2 m bề ngang để chưng vài chục bao gạo mẫu là đủ, hàng còn lại cất ở kho sau nhà hoặc ở kho chỗ khác. Khách hàng chỉ cần chốt giá và số lượng là muốn bao nhiêu cũng có người chở đến ngay tắp lự.

Tiểu thương phiêu bạt

Chị Thanh đã bán gạo ở đây từ lúc còn nhỏ. Hơn 40 năm trong nghề bán gạo ở chợ Trần Chánh Chiếu, chị chứng kiến nhiều thăng trầm của chợ trong suốt thời gian đó. Sau năm 1975, giai đoạn ngăn sông cấm chợ, khó khăn lương thực nhưng chợ vẫn ngầm hoạt động. Người ta khép cửa, chỉ tiếp khi có khách quen đến tìm, thậm thụt tiền trao cháo múc vài ký gạo chứ không còn dám chở hàng bao tải như trước nữa.

Về sau, những nhà máy xay xát ở bến Bình Đông dần đóng cửa, miền Tây xuất hiện nhiều nhà máy xay xát lúa tại chỗ, xe tải chạy thẳng xuống miền Tây mua gạo, không qua trung gian chợ Trần Chánh Chiếu nữa, chợ trở thành điểm bán gạo lẻ nhiều hơn là sỉ, đa số khách mua chỉ còn từ một, hai bao đến vài trăm ký nhưng chợ vẫn đông đúc, tấp nập.

Sau 20 năm buôn bán rầm rộ, đến năm 2008 chợ chính thức bị đóng cửa. Trong 300 hộ kinh doanh ở đây chỉ có 60 hộ chịu về chợ Bình Điền, còn lại hầu hết không đồng tình vì họ cho rằng chợ Bình Điền quá xa, chi phí vận chuyển cao, lại mất hết khách hàng rồi giờ về đó làm lại từ con số 0 sao đặng. Chị Lan cũng chọn cách qua đường Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường khác bán nhưng quá ế ẩm, sau sáu năm chịu hết xiết chị đành quay về đường Trần Chánh Chiếu bán lại. Ban đầu phường không cho, rồi trước tình cảnh các hộ kinh doanh cũ không làm ăn được nên họ cũng châm chước nhưng yêu cầu không được bày ra vỉa hè như trước nữa, chỉ được bán trong nhà.

Giờ cả con đường chợ xưa chỉ còn gần 20 hộ quay về bán cầm cự qua ngày. Tiền thuê nhân viên lên tới 200.000 đồng/ngày chịu sao nổi nên các ông bà chủ bây giờ phải kiêm luôn hoặc nhờ xe ôm chở gạo, khuân vác giúp để giảm chi phí.

Cô Duyên, chuyên bán các loại đậu ở gần cuối đường, cho biết gia đình đã đăng ký một sạp ở chợ Bình Điền nhưng doanh số thấp, phải mở lại tại nhà cửa hàng hiện nay. “So với ngày trước bán được 10, bây giờ chỉ được một” - cô Duyên vừa sàng đậu vừa thở dài.

Một số hộ tiểu thương cũng buồn bã: “Chợ cá, chợ rau… dời ra ngoại thành là đúng vì ô nhiễm, còn chợ gạo có ô nhiễm đâu, nếu sợ lấn chiếm vỉa hè thì cứ ra quy định, chúng tôi sẽ chấp hành dẹp vào. Giải tỏa chợ rồi mọi người đều thiệt hại…”.

Có thể chủ trương dời chợ gạo là đúng, thiệt hại của mấy trăm hộ kinh doanh có thể xác định được, thiệt hại của Nhà nước vì không thu được nhiều thuế cũng xác định được nhưng mất đi một khu chợ chuyên doanh đầu tiên mang nét đặc trưng của sản vật Nam Bộ và là động lực phát triển Sài Gòn buổi đầu thì thiệt hại này khó mà xác định được bằng con số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm