Trước ngày giải tỏa chợ gạo: Buông chợ là... đói!

Ngày 15-5 là hạn chót di dời tiểu thương bán gạo, thịt ở chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5) và chợ An Lạc về chợ đầu mối Bình Điền. Có mặt tại chợ Trần Chánh Chiếu vào thời điểm cận kề giải tỏa, chúng tôi ghi nhận không chỉ tiểu thương chạy ngược xuôi lo chỗ buôn bán mới mà những người lao động lâu nay sống nhờ vào chợ cũng lo lắng...

Càng gần ngày giải tỏa càng lo

Đã gần 30 năm, ngôi chợ Trần Chánh Chiếu dường như chưa có một ngày ngơi nghỉ để cung cấp gạo, đường, đậu... cho các chợ thành phố với khối lượng hàng trăm tấn mỗi ngày. Chính vì vậy lực lượng bốc xếp của chợ khá đông, họ thay nhau lên xuống hàng hóa hoặc vận chuyển theo yêu cầu của chủ. Thông tin chợ ngưng hoạt động làm không ít người lâu nay sống nhờ nghề cơ bắp phải băn khoăn, lo lắng.

Quệt giọt mồ hôi trên mặt, ông Nguyễn Văn Giàu (tổ trưởng tổ bốc xếp 6) nói: “Tôi làm bốc vác khi chợ hình thành. Anh em bốc xếp ai cũng nghèo khổ, ít chữ, không nghề, không vốn, tìm được việc làm đâu dễ, buông chợ này ra là đói!”. Bình quân một ngày lao động, một bốc xếp ở đây kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Theo UBND phường thông báo, mỗi bốc xếp chợ Trần Chánh Chiếu sẽ được thành phố hỗ trợ một triệu đồng, ai muốn sang chợ Bình Điền hành nghề tiếp thì phường tạo điều kiện. Theo ông Giàu, chợ Bình Điền thì xa, lại lạ nước lạ cái nên hầu như không bốc xếp nào đăng ký chuyển. Nhiều người tuyên bố nếu không làm bốc xếp thì tìm chiếc Honda cà tàng chạy xe ôm. Có điều dân xe ôm bây giờ cũng nhiều quá, không biết có chen chân được không!

“Cần câu” cơm... bị gãy!

Ngoài lực lượng bốc xếp “ăn theo”, chợ Trần Chánh Chiếu còn có những người buôn gánh bán bưng. Gương mặt già dặn so với tuổi 45 của mình, bà Châu Nghĩa Thu chậm rãi bật từng lời: “Tôi bán rau, củ tại chợ đã 17 năm, lời không nhiều, cộng với tiền chạy xe ôm của chồng cũng đủ trả tiền thuê nhà và mua gạo nuôi con”. Bà Thu cho biết hay tin ngày 15-5 chợ di dời, bà đếm ngược từng ngày, từng giờ. Bà định đăng ký một chỗ bán bên chợ Lò Gốm (quận 6) nhưng đang lưỡng lự vì nghe nói bên đó vắng khách.

Những người đồng cảnh ngộ với bà Thu có đến hàng trăm. Ai cũng mang tâm trạng khi nói đến chuyện di dời, tìm chỗ bán mới. Cũng có người quyết định bỏ luôn nghề đã nuôi sống mình hàng chục năm nay như bà Lệ. Mặc dù đã 62 tuổi, mỗi ngày bà Lệ vẫn đón xe đò từ Long An lên chợ Trần Chánh Chiếu để bán tôm, cá, ốc... Bà Lệ tâm sự: “Chợ này đã nuôi sống tôi nhiều năm qua. Chợ giải tỏa qua chợ khác, mỗi tháng phải đóng tiền chỗ ngồi 300.000 đồng, tiền hoa chi, vệ sinh... chắc kham không nổi nên tôi không đăng ký”.

Chợ Bình Điền miễn phí điện, nước, mặt bằng...

“Sẽ không dời lại thời hạn, công việc di dời năm chợ nội thành ra chợ đầu mối phải bảo đảm đúng kế hoạch, bằng mọi cách chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng trước ngày 15-5 để đảm bảo chỗ buôn bán cho tiểu thương” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng nói.

Ông Trần Văn Bắc, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết đã yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương hoàn tất các hạng mục. Để hỗ trợ bà con tiểu thương, Công ty chợ Bình Điền sẽ miễn phí hoàn toàn các khoản tiền điện, nước, mặt bằng, phí ra vào chợ... trong 15 ngày đầu.

Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), cho biết trong ngày 13-5, nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Phạm Văn Hai, Bàu Nai và Hóc Môn đã ký hợp đồng nhận sạp. Chiều mai (14-5), chợ đầu mối Tân Xuân sẽ bàn giao sạp cho các tiểu thương.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm