‘Đại gia’ đất Nam kỳ - Bài cuối: Trần Chánh Chiếu - đại điền chủ uyên bác

Trước đây đường Trần Chánh Chiếu vốn là đường Des Tamariniers, rồi Ngô Tùng Châu. Sau năm 1955 được mang tên ông Gilbert Chiếu, một đại điền chủ mang quốc tịch Pháp từng làm tới chức đốc phủ sứ. Vì sao sau năm 1975, qua nhiều lần đổi tên đường mà ông vẫn được giữ tên đường? GS Trịnh Vân Thanh từng nhận xét: Trần Chánh Chiếu vốn là một người yêu nước, có tinh thần hy sinh cao quý. Để kiến tạo xứ sở và canh tân guồng máy cai trị, ông thường viết bài công kích chính sách cai trị lỗi thời của Pháp. Ông lại hô hào cổ võ việc khuếch trương kinh tế và dùng hàng nội hóa để chấn hưng nền kinh tế quốc gia. Ông cũng chủ trương một nền văn hóa tân tiến hợp với cao trào văn minh phương Tây…

Trong các “phú hộ” miền Nam, ông được xem như người có kiến thức uyên bác nhất.

Nhà báo và nhà văn sắc sảo

Là một cây bút với nhiều bài viết sắc sảo, năm 1906, Trần Chánh Chiếu được mời làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm (Uống trà bàn chuyện làm nông và buôn bán), tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam lúc đó. Báo chủ yếu thông tin về giá lúa gạo, hướng dẫn nông nghiệp cho nông dân. Mục hay nhất nằm ở trang nhất mang tên Thương cổ luận (trích từ ý Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân quốc phú cường) trong đó hướng dẫn các nhà buôn cách giao thương buôn bán với nước ngoài, kêu gọi họ đoàn kết chống lại sự cạnh tranh, lũng đoạn của các nhà buôn người Hoa và người Ấn. Nhờ đó báo nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới thương gia và nông dân.

Qua năm sau, ông được mời về làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, vốn không mấy ai biết đến nhưng vào tay ông, tờ báo khởi sắc hẳn lên. Với chủ trương khuyến khích người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với người Hoa và Indo, ông kêu gọi người dân tham gia đổi mới xã hội để xây dựng một nền văn hóa mới, phù hợp với văn minh phương Tây. Ông cũng kêu gọi nhân dân xóa bỏ cờ bạc, thuốc phiện; giảm các nghi thức cưới xin, ma chay, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, ưu tiên xài hàng nội…

Bên cạnh việc công kích chế độ thuộc địa, ông cũng phê phán những thói xấu của người Việt trong làm ăn, trong đối nhân xử thế. Cái hay là Trần Chánh Chiếu không chỉ phê phán mà bên cạnh đó chỉ rõ những khuyết điểm của người Việt khiến không làm ăn lớn được, đúc kết nguyên nhân làm giàu của người Hoa và người phương Tây để phổ biến cho mọi người biết với lập luận và cách viết cực kỳ sắc bén, dễ thuyết phục người đọc. Ngay tại trụ sở báo Lục Tỉnh Tân Văn, ông lập phòng tư vấn miễn phí về pháp lý kinh doanh, kế toán, thuế… để trợ giúp những ai có ý định kinh doanh mà chưa hiểu luật lệ. Nhờ một tay ông, tờ Lục Tỉnh Tân Văn đã đi đầu trong việc tạo nên làn sóng đổi mới mạnh mẽ về phong tục trong xã hội lúc đó.

Trần Chánh Chiếu còn là một nhà văn tiên phong chữ quốc ngữ, ngoài việc dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp, ông đã viết một số tiểu thuyết, ký sự và cả từ điển. Mục Quốc âm thí cuộc do ông mở trên báo nhằm tạo trào lưu sáng tác mới, thay thế cho cách viết văn chương cổ điển không hợp thời, đây là cuộc thi văn chương quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Tính ra ông viết tiểu thuyết còn trước cả Hồ Biểu Chánh.

Báo Nông Cổ Mín ĐàmLục Tỉnh Tân Văn, hai tờ báo ông Chiếu làm chủ bút một thời gian.

Đại điền chủ, nhà chính trị và nhà kinh doanh có chí hướng

Sinh ra trong gia đình khá giả ở Rạch Giá, ông được lên Sài Gòn học Trường College d’Adran (nay là Trường Lê Quý Đôn) rồi được bổ làm giáo học ở quê nhà. Quan chủ tỉnh Rạch Giá nhận thấy ông thông minh, có tài diễn đạt bèn mời về làm thông ngôn cho riêng mình. Đây là cơ hội để ông tiếp thu thêm nhiều sách báo, tài liệu phương Tây và nhanh chóng trở thành một người có kiến thức sâu rộng, lý luận thuyết phục người nghe nổi tiếng trong vùng.

Nhận thấy trong tỉnh nhiều vùng đất bỏ hoang, ông xin được thuê người khẩn hoang thành ruộng lúa. Với óc tổ chức, Trần Chánh Chiếu tự quy hoạch xây dựng đường sá, chợ búa, ông biến vùng Tràm Chẹt thuộc Giồng Riềng vốn hoang vu thành nơi dân cư đông đúc trù phú, ruộng lúa cò bay thẳng cánh và cũng nhờ vậy ông đã tự dựng nên cơ nghiệp, trở thành đại điền chủ ở đất Rạch Giá khi còn rất trẻ. Ông Chiếu còn thiết kế và xây nên chợ Rạch Giá. Chính quyền thực dân phong ông làm đốc phủ sứ và cho nhập quốc tịch Pháp với tên Gilbert.

Thay vì tiếp tục việc hành chính và thu hoa lợi trên ruộng đất quê nhà, năm 1900 ông Chiếu quyết định từ chức, bán bớt một phần tài sản mang tiền lên Sài Gòn để làm báo và kinh doanh. Khác với nhiều người, ông kinh doanh không phải để vinh thân phì gia mà để lập hội đoàn, phát huy nội lực của giới doanh thương Việt Nam cạnh tranh với nước ngoài nhằm hưng thịnh đất nước.

Nguyên do là ông Trần Chánh Chiếu đã kết giao với nhiều chí sĩ yêu nước, đặc biệt trong phong trào Đông Du và quyết tâm phục hưng đất nước. Khi cho con qua Hong Kong học, ông đã tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu. Từ đó Trần Chánh Chiếu đứng ra thành lập hội Minh Tân (lấy từ chữ “Minh đức, tân dân” trong sách Đại học thuộc bộ Tứ Thư) nhằm thu hút giới trí thức, điền chủ, tư sản và các hương chức nông thôn có lòng yêu nước cùng chung tay gây sự chuyển biến xã hội, bằng cách đả phá những quan điểm Nho giáo lỗi thời như “trọng nông, ức thương”, khuyến khích mọi người đứng ra “tranh thương”, “làm công nghiệp”…

Không chỉ vận động tuyên truyền, ông thành lập công ty kinh doanh đa ngành lấy tên là Minh Tân Công nghệ xã, mục đích phát triển tiểu thủ công nghiệp và thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực trong nước có trình độ, giáo dục hướng về thực nghiệp. Để có chỗ hội họp bàn chuyện yêu nước, ông lập nên Minh Tân khách sạn, tiệm Mộng Tiền Trà ở Sài Gòn và lập Duy Tân lữ quán ở Mỹ Tho. Ông còn lập nên hãng cho vay Sài Gòn - Chợ Lớn, một tổ chức kinh doanh tài chính như ngân hàng tín dụng ngày nay để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương người Việt.

Với việc tạo ra sản phẩm xà bông Canard (Con Vịt) tung ra thị trường với giá rẻ, ông Chiếu đã góp phần buộc giới Hoa kiều phải liên tục hạ giá xà bông, không thao túng giá cả được như trước. Người dân Việt được hưởng lợi nhiều từ cuộc cạnh tranh kinh tế trong lĩnh vực chất tẩy rửa đầu thế kỷ 20 như thế.

Tiền kiếm được từ kinh doanh, ông Chiếu ủng hộ cho phong trào Đông Du.

Hai lần bị tù đày

Vì quyên góp tiền bạc cho phong trào Đông Du và tổ chức cho hơn 100 thanh niên xuất dương sang Nhật, ông Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam năm 1908. Theo lời bà TrầnThị Xuyến, con gái ông Chiếu, kể lại cho nhà văn Sơn Nam, chính nhờ sự giúp đỡ của luật sư Phan Văn Trường ở Paris mà qua năm sau, Pháp buộc phải thả ông nhưng theo dõi nghiêm ngặt. Không được làm báo để tuyên truyền trong công luận, ông chuyên tâm vào việc kinh doanh xuất bản sách để lấy tiền giúp đỡ cho phong trào yêu nước.

10 năm sau, ông lại bị bắt giam một lần nữa vì tham gia hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long ở Sài Gòn. Bị giam một thời gian nhưng không tìm đủ chứng cứ để buộc tội nên Pháp đành phải thả ông. Sự nghiệp chính trị và kinh doanh của ông kết thúc khi ông mất trong năm đó, thọ 51 tuổi.

Ngay trước khi mất, dù đã hết sức yếu, ông vẫn đi bầu cử trong cuộc tranh cử dân biểu đại diện Nam Kỳ vào Quốc hội, ông đã cố gắng đi bầu cho Monin, một luật sư tiến bộ. Ông Nguyễn Thành Úc, người đi theo đỡ ông Chiếu, kể lại sau khi về nhà nằm trên giường, ông Chiếu nắm tay ông Úc và trước khi nhắm mắt ông nói: “ C’est ma dernière cartouche ” (Đây là viên đạn cuối cùng của tôi).

Thay vì tận hưởng cuộc sống giàu sang sung túc trong khối tài sản khổng lồ tự tay gây dựng nên, Trần Chánh Chiếu đã chọn cho mình con đường chông gai vì sự phát triển của giới tư sản dân tộc Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam. Tài sản của ông được tận hiến cho những phong trào yêu nước, với những giá trị đó, tên tuổi ông xứng đáng được vinh danh cho hậu thế.

Trần Chánh Chiếu là người cầm đầu phong trào Minh Tân. Đây là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục Tỉnh Tân Văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị.

Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm