Đoàn kết là sức mạnh, bài học này càng thấm thía trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, khi những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ của các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… lần lượt bị dìm trong biển máu. Thế nhưng ở lĩnh vực thể thao, sự đoàn kết của người Việt đã góp phần tạo dựng nên một đội bóng tên tuổi 100 năm trước để rồi lần lượt hạ bệ những đội bóng Tây thứ dữ và lên ngôi vô địch trong niềm tự hào dân tộc của người miền Nam lúc đó.
Tây mang trái banh tròn đến Sài Gòn
Bóng đá được người Pháp du nhập vào miền Nam trước rồi sau đó mới lan ra miền Bắc và miền Trung. Tài liệu của tác giả Phan Ngươn Đang ghi nhận bắt đầu từ năm 1896, những người nước ngoài là quan chức, sĩ quan, thương gia ở Câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais (CSS hay Xẹc) đã thường xuyên chơi môn thể thao này trong sân công viên TP Jardin de la Ville (hay vườn Ông Thượng, nay là Công viên Tao Đàn). Sau đó có thêm đội Infanterie gồm các lính lê dương đánh thuê (tập ở sân Hào Thành, tức sân Hoa Lư ngày nay) và đội Marine là lính thủy Pháp (tập ở sân sở thú) tham gia.
Mãi đến năm 1905, ông E. Breton là hội trưởng Hiệp hội Thể thao điền kinh Pháp tại Sài Gòn về Pháp, khi trở lại Việt Nam đã mang theo cuốn Luật bóng đá. Luật đã nhanh chóng được dịch và in bán rộng rãi cho các đội và các trường.
Trận đấu chính thức theo luật được tờ Straits Times (Singapore) còn ghi lại là vào năm 1905, đội bóng của chiến hạm Anh mang tên King Alfred ghé thăm Sài Gòn đã đấu giao hữu với một đội gồm những cầu thủ người Pháp và Việt. Đây được xem là trận bóng đá quốc tế đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.
Cũng chính ông Breton đã chấn chỉnh Xẹc lại theo cách tổ chức của các câu lạc bộ bóng đá bên Pháp. Nhiều câu lạc bộ khác được bắt chước thành lập và hoạt động như Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Taberd Club... Các giải bóng đá cũng bắt đầu được tổ chức từ đó. Đội Xẹc do được tổ chức, huấn luyện có bài bản nên đã liên tiếp thắng nhiều mùa giải trong các năm: 1907, 1909, 1910, 1911, 1912, 1916.
Đội bóng Cercle Sportif Saigonnais (Xẹc), đội bóng Pháp đầu tiên tại Sài Gòn và là đối thủ truyền kiếp của Ngôi Sao Gia Định. Ảnh: TƯ LIỆU
Người Việt mở đội bóng
Môn thể thao vua đã dần lan rộng trong người Việt, đến năm 1907 ông Ba Vẽ đã lập nên đội bóng toàn người Việt đầu tiên mang tên là Gia Định Sport nhưng sau một thời gian ông Ba Vẽ đã nhường đội bóng lại cho ông Nguyễn Phú Khai, một kỹ sư du học Pháp về làm bầu. Cũng trong năm này, ông tri huyện Nguyễn Đình Trị cũng lập nên đội Ngôi Sao Xanh (Etoile Bleu) để thi đấu. Như vậy cả ba ông Ba Vẽ, Phan Phú Khai và Nguyễn Đình Trị chính là những người đã đặt nền móng đầu tiên cho bóng đá Việt Nam.
Cả ông Phú Khai và ông huyện Trị đều là những người nhiệt huyết, có lòng yêu nước. Lập đội bóng không chỉ là niềm đam mê thể thao mà còn là niềm tự hào dân tộc để có thể đấu lại người Pháp và giành lấy chiến thắng. Chính vì cùng chung chí hướng mà sau này hai ông đã ngồi lại với nhau, quyết định gia tăng sức mạnh cho bóng đá Việt Nam bằng cách sáp nhập cả hai đội lại thành một, lấy tên là Ngôi Sao Gia Định với sân tập là sân Fourrières, nằm trước Lăng Ông Lê Văn Duyệt. Bản thân ông Phú Khai năm 1923 đã lập ra đảng Lập hiến (Parti Constitutionaliste), một đảng chính trị tại Nam Kỳ và ông huyện Trị cũng là một thành phần tích cực của đảng.
Nhờ việc kết hợp những cầu thủ giỏi từ hai đội bóng lại, cộng thêm việc đầu tư nhiều hơn cho đội bóng như thuê huấn luyện viên Pháp, tập dợt theo chiến thuật mới của các đội bóng châu Âu…
Vô địch và ly khai
Sau 10 năm thành lập, Ngôi Sao Gia Định đã có một đội hình mạnh vào năm 1917 với các cầu thủ như thủ môn Đại; hậu vệ Thơm, Gồng; tiền vệ Lữ, Chữ, Quý; tiền đạo Hậu, Quý, Thới, Mùi, Tài…
Trận chung kết diễn ra tại sân vườn Ông Thượng 99 năm trước, phải đối đầu với đội bóng đương kim vô địch cực mạnh là Xẹc, được xem như đội tuyển châu Âu tại Sài Gòn. Ngay từ tiếng còi khai cuộc, Xẹc tấn công quyết liệt. Hai hậu vệ Thơm và Gồng đã liên tục chặn đứng các đòn tấn công dữ dội của đội Xẹc trong tiếng hò reo ủng hộ rất nhiệt tình của khán giả người Việt trên khán đài bình dân, át cả tiếng cổ vũ của các “ông Tây, bà đầm” nơi khán đài thượng lưu. Sau hiệp 1, hai đội hòa với tỉ số là 0-0, trận đấu tiếp tục không bàn thắng cho đến khi chỉ còn 10 phút hết giờ thì tiền đạo Hậu đã tung cú sút xa ở khoảng cách tới 30 m qua đầu thủ môn Trisch vào lưới và giữ nguyên tỉ số đến hết trận. Khi thủ quân Thới bước lên bục nhận thưởng là lúc sân vận động bị “vỡ” vì khán giả ùa vào sân mừng bởi lần đầu tiên một đội bóng của Việt Nam đã vô địch.
Sau đó Ngôi Sao Gia Định còn nhiều lần thắng Xẹc, giành chức vô địch Nam Kỳ (Championnat de Cochinchine), trở thành đội bóng mạnh và được yêu thích. Báo Écho Annamite số ra ngày 22-5-1925 có đăng bài tường thuật về trận bóng đá giữa Ngôi Sao Gia Ðịnh và đội tàu Anh S/S Oanfa, cho biết trận đấu này đạt con số kỷ lục khán giả xem là hơn 5.000 người. Nếu ta biết rằng dân số Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ khoảng 100.000 người, tính ra có hơn 5% dân số TP đã đến xem trận đấu này. Hãy thử tưởng tượng tỉ lệ này vào thời điểm hiện nay, tức là sẽ có tới… nửa triệu người Sài Gòn đến xem một trận bóng, đủ hiểu mức độ cuốn hút của môn thể thao vua và danh tiếng Ngôi Sao Gia Định lớn tới mức nào.
Cũng trong mùa giải 1925, trận chung kết giữa Ngôi Sao Gia Định và đối thủ truyền kiếp Xẹc đã diễn ra với một sự kiện bất ngờ: Khi trận đấu đang diễn ra, thủ môn Xẹc là Garrence thúc cùi chỏ vào bụng Thi của Ngôi Sao Gia Định và bị cầu thủ này trả đũa ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên một cầu thủ người Việt Nam dám đánh lại cầu thủ Pháp. Cả đội Xẹc đuổi theo đòi đánh Thi và đội Ngôi Sao Gia Định lao vào ngăn cản. Tình hình diễn ra căng thẳng, trên khán đài người dân la ó phản đối thực dân Pháp. Trọng tài đuổi Thi khỏi sân, còn đội Ngôi Sao Gia Định kiên quyết phản đối, buộc trọng tài phải xoa dịu bằng cách đuổi luôn Garrence.
Sau trận xung đột này, Thi bị treo giò vĩnh viễn, còn đội Ngôi Sao Gia Định quyết định rút khỏi Tổng cục Thể thao Pháp, lập ra Tổng cục Bóng đá An Nam và tiến hành tổ chức giải bóng đá gồm các đội Việt Nam. Một ban trị sự được thành lập do ông Nguyễn Đình Trị làm trưởng ban, bỏ ra 1.500 đồng bạc Đông Dương lúc đó để mua một khu đất nằm giữa các con đường Mayer (Võ Thị Sáu), Lareyniere (Trương Định), Champagne (Lý Chính Thắng), Pierre Flandin (Bà Huyện Thanh Quan ngày nay) làm sân tập.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục đội bóng Sài Gòn và các tỉnh lân cận tham gia tổng cục… Tổng cục còn mở rộng cửa đón các đội mạnh của nước ngoài hoặc đưa đội nhà sang Thái Lan, Malaysia, Campuchia… thi đấu giao hữu. Trong giai đoạn 20 năm, từ năm 1925 đến 1945, Ngôi Sao Gia Định đoạt thêm tám danh hiệu vô địch nữa.
Trong khi đó, các giải đấu của Tổng cục Bóng đá Pháp tại Việt Nam ngày càng buồn tẻ vì thiếu đội mạnh thi đấu.
Liên tục tỏa sáng Đến năm 1932, do sự mâu thuẫn trong nội bộ Tổng cục Bóng đá An Nam, nhất là việc nhiều đội bóng phản đối thành viên Ban trị sự Trần Văn Khá lợi dụng quyền hành, tham nhũng nên thị trưởng Sài Gòn lúc bấy giờ là Saint Paul đứng ra hòa giải ba phe: Tổng cục Bóng đá An Nam của ông Khá, Tổng cục Bóng đá Pháp và Hội Fédération des clubs Reunis của ông Nguyễn Đình Trị vừa mới thành lập để lập ra Tổng cục Bóng đá Nam Kỳ. Ngay lập tức đội Ngôi Sao Gia Định đã đoạt chức vô địch Nam kỳ liên tục trong các năm 1932, 1933, 1935, 1936. Giai đoạn 1945-1954, đội Ngôi Sao Gia Định tiếp tục giữ vai trò hàng đầu trên bóng đá miền Nam với những cầu thủ xuất sắc khác như Maurice Tài, Coón, Lý Đức, Dương Văn Quới (Trụ Đồng), Hiếu, Thọ 2, Tư (Mũi tên vàng), Dương Bạch Mai, Mỹ (Cọp Đông Nam Á), Đỗ Quang Thách (Thuật sỹ bóng đá), Thọ Ve, Bùi Nghẻn, Khê... và đoạt nhiều chức vô địch khác nữa. Chỉ đến năm 1954, vì yếu tố lịch sử, đội Ngôi Sao Gia Định phải giải tán, cầu thủ gia nhập vào các đội AJS (Association de la Jeunesse Sportive) và cảnh sát, chấm dứt một trang sử hào hùng gần 50 năm trên làng bóng đá Việt. |