Tháng 10-2022, trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng đến nay, sau gần 10 tháng, dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được ban hành.
Mong chờ ban hành nghị định sửa đổi
Từ tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã có ít nhất hai lần gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm ban hành nghị định xăng dầu sửa đổi.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho biết các DN đã kiến nghị sớm ban hành nghị định mới về xăng dầu không trễ hơn quý II-2023, thế nhưng nay đã bước sang quý III mà nghị định mới vẫn chưa được ban hành.
“Nghị định cũ về kinh doanh xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập. Thế nhưng hiện nay, nghị định mới về xăng dầu vẫn chưa được ban hành nên DN bán lẻ xăng dầu chúng tôi vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh vì chiết khấu tùy thuộc vào sự ban phát của DN đầu mối và thương nhân phân phối. Có khi chúng tôi lời được chút ít, có khi hòa vốn, có khi lỗ, mà đa số là hòa vốn và lỗ. Lỗ lời không theo quy định nào nên DN bán lẻ hoạt động vô định, không thể hoạch định được kế hoạch kinh doanh” - ông Tây chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết các DN bán lẻ đều rất mong chờ nghị định sớm được ban hành.
Theo bà Hường, trong suốt quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi thì các DN bán lẻ đều không được tham gia góp ý một cách chính thức, không nhận được văn bản chính thức nào từ cơ quan soạn thảo để có ý kiến.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã gửi đơn kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi. Ảnh: A.HIỀN |
“Trong khi quy định về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì các đối tượng chịu tác động phải được tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các văn bản này. Thế nhưng chúng tôi chỉ còn cách lên tiếng qua các kênh truyền thông. Chúng tôi vẫn không biết hiện dự thảo đã làm đến đâu và các cản trở để Chính phủ phê duyệt là gì” - bà Hường nói.
Một số DN xăng dầu khác cũng đánh giá giai đoạn tới nếu không nhanh chóng điều chỉnh chính sách điều hành, sớm ban hành nghị định mới về xăng dầu thì DN bán lẻ sẽ khó khăn càng khó khăn.
“Hiện nhiều DN sau thời gian dài thua lỗ, không chịu nổi đã cân nhắc phương án rời bỏ thị trường, bán lại nền tảng cơ sở vật chất của mình dù đã tốn bao vốn liếng, công sức để gầy dựng. Đây là điều đáng tiếc vì DN bán lẻ xăng dầu là các DN nhỏ và vừa, có đóng góp tốt cho nền kinh tế” - một DN cho biết.
Nên để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, cho rằng một số sửa đổi như trong các dự thảo được đưa ra, chẳng hạn như việc cho phép đại lý bán lẻ được lấy hàng nhiều nguồn, thay vì một nguồn như hiện nay; hay điều chỉnh thời gian điều hành giá xăng dầu, hay một số nội dung khác chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được vấn đề gốc cần sửa đổi. Đó là phải làm sao đảm bảo mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, thị trường cạnh tranh, minh bạch, chống “lợi ích nhóm”, giá cả hợp lý và người dân được hưởng lợi.
Theo ông Hùng, để giải quyết vấn đề này, chỉ có cách là lập sàn đấu giá xăng dầu. “Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được vì nguồn cung trong nước hiện nay từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được 70%. Sắp tới có lọc dầu Long Sơn nữa thì chúng ta có thể đủ lượng xăng dầu cung cấp trong nước” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng nếu thành lập được sàn đấu giá xăng dầu thì giải quyết được nhiều vấn đề như minh bạch được giá cơ sở do đấu giá xăng dầu tổ chức công khai. Khi có sàn đấu giá, các DN muốn tham gia phải đáp ứng nhiều điều kiện, phải xây kho chứa, vận tải… phục vụ cho kinh doanh.
Như vậy Nhà nước cũng gián tiếp tăng được lượng dự trữ xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng. Việc lập sàn đấu giá xăng dầu cũng qua đó hình thành thị trường riêng, chủ động hơn; bãi bỏ quy định mỗi đại lý bán lẻ chỉ được mua từ một nguồn hàng. Họ có thể mua được từ bất kỳ DN nào có giá cạnh tranh, hợp lý.
“Khi lập sàn đấu giá không thể có chuyện DN bắt tay nhau làm giá. Khi tham gia sàn đấu giá sẽ bộc lộ hết DN nào làm ăn dối trá, tự thị trường đào thải. Không lập sàn thì không thể giải quyết được bài toán xăng dầu hiện nay” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường cũng cho rằng Việt Nam có đầy đủ các tiêu chí để vận hành thị trường xăng dầu một cách hoàn chỉnh theo thị trường. Vì Việt Nam có mỏ dầu, có nhà máy lọc dầu, có hệ thống phân phối do các DN trong nước đảm nhận. Việt Nam lại nằm trong tuyến hàng hải quốc tế rất thuận lợi trong vận chuyển xăng dầu và có nguồn năng lượng tái tạo rất tiềm năng.
“Vì vậy, ý kiến cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng nên phải trói thị trường xăng dầu lại, tôi cho rằng chưa thuyết phục” - bà Hường nhấn mạnh.
Đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định xăng dầu
Trước đó, trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các DN bán lẻ xăng dầu.
Bộ đã tổng hợp tất cả ý kiến và giao cho ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tiếp tục xây dựng dự thảo nghị định phù hợp với thực tế, đáp ứng mức cao nhất các ý kiến đưa ra của tất cả đối tượng. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính cuối tháng 6, Bộ Công Thương cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo 30, bộ đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo phương án đã được báo cáo với Phó Thủ tướng.
Sau đó, dự thảo nghị định đã được gửi sang Bộ Tài chính để phối hợp, góp ý và gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Ngày 8-6, Bộ Tư pháp đã có Công văn 257 gửi Bộ Công Thương báo cáo thẩm định dự thảo.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.