Người Quảng Nam dù là dân chữ nghĩa hay nhà nông cũng đều ưa lý sự, gặp chuyện chi cũng cãi hoặc có ý kiến khác. Từ đó hình thành một cốt cách khiến người ta nghĩ tốt về nó cũng nhiều nhưng nghĩ xấu cũng không ít: “Quảng Nam hay cãi”.
Cãi để… đổi mới
Đã có nhiều lý giải về hiện tượng hay cãi của người Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ chuyện hai học giả Quảng Nam là Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng (cùng nhà Nho Ngô Đức Kế) công kích ông Phạm Quỳnh - chủ nhiệm báo Nam Phong - từ năm 1924 đến năm 1930, sau khi ông chủ báo họ Phạm tổ chức đêm suy tôn Truyện Kiều tại hội quán Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội vào năm 1924. Trong đêm đó, ông Quỳnh diễn thuyết ca ngợi Truyện Kiều là “quốc hoa, quốc hồn, quốc túy”. Bị “đánh” rát, ông Quỳnh chỉ im lặng. Sau khi rời Hà Nội vào Sài Gòn, Phan Khôi khơi lại chuyện cũ, mạnh miệng mắng sự phớt lờ này là “học phiệt”: “Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết; tôi nói ngay rằng hạng người học phiệt ở ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một” (Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn, 1930).
Rồi chính hai nhà báo trứ danh người Quảng Nam này khoảng 10 năm sau lại đăng đàn cãi nhau về phong trào Thơ mới. Phan Khôi sáng tác bài “Tình già”, khởi xướng trào lưu thơ mới, chê thơ cũ là “bó buộc và làm mất cả sanh thú”; ngược lại, nhà Nho chí sĩ họ Huỳnh thì mạt sát Phan Khôi. Cuộc bút chiến của hai cây viết đất Quảng diễn ra trên nhiều tờ báo, tập trung sự chú ý lớn của giới học thuật từ những năm 1941 trở đi. Đây là một căn cớ để lý giải vì sao “Quảng Nam hay cãi”.
Ý kiến khác dựa vào chính sử, được cho là lý giải xác đáng hơn. Cụ thể, nhiều bản của Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn đúc kết các đặc tính của người Quảng qua thực tế. Ví dụ, bản in vào triều vua Duy Tân đánh giá: “… sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói, nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy có người nào có học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”. Phải chăng những đúc kết ấy chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phong trào Duy Tân (1906-1908) do chí sĩ đất Quảng Nam Phan Châu Trinh khởi xướng, trong đó có cuộc đấu tranh đòi giảm sưu thuế ở Trung Kỳ (1908) làm rúng động chính phủ bảo hộ (Pháp) và chính phủ bù nhìn Nam triều lúc bấy giờ?
Khởi nguồn từ Đại Lộc (Quảng Nam), những cuộc tranh luận nảy lửa giữa người dân xứ Quảng với các quan Tây và tri phủ, đề đốc tay sai người Việt… được nhiều chứng nhân - trong đó có cả người Pháp - ghi chép, kể lại trong một số tài liệu, rất thú vị. Phong trào này được xem là một cuộc dân biến lịch sử, lan ra 10 tỉnh, từ Bình Thuận đến Thanh Hóa, dù bị người Pháp điều binh đàn áp đẫm máu, nhiều chí sĩ bị hành quyết và rất đông người dân bị tra khảo song chẳng thể khuất phục ý chí sắt đá của con người xứ Quảng: không chịu im lặng trước bất công, không cúi đầu trước bạo quyền; phải lên tiếng đấu tranh, phải hành động đòi lại công bằng.
Cái sự “cãi” ấy chẳng phải cãi chày cãi cối hay lý sự cùn mà rất đáng trọng. Ngẫm suy, nó chỉ nhằm mục đích dân chủ và đổi mới. Cãi mới đem lại sự dân chủ. Có “đấu” thì mới làm nên cuộc duy tân, cải cách. Giữa bối cảnh đất nước tối tăm vì bị đô hộ, người dân lầm than dưới ách thực dân, Phong trào Duy Tân của cụ Phan Tây Hồ hướng tới hiện thực hóa những mục tiêu cao cả: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Mở mang dân trí, xây dựng xã hội dân chủ để tiến tới tự cường rồi tự chủ, độc lập, ấm no, há chẳng phải là tư duy đổi mới quá sâu sắc hay sao?
Tư tưởng thời đại, sống mãi
Trong huyết quản của người Quảng Nam, tinh thần phản biện và tranh đấu luôn tuôn chảy. Nó được thể hiện bằng nhiều cách và chắc chắn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, truyền thừa cho nhau: thế hệ sau theo thế hệ trước, con cháu học hỏi ông cha, học trò nối bước người thầy.
Tiêu biểu của sự truyền thừa này là hai tên tuổi lừng lẫy cùng quê Điện Bàn: Phạm Phú Thứ (1821-1882) và Hoàng Tụy (1927-2019). Dẫu sống cách nhau cả thế kỷ, thời cuộc cũng rất khác nhau nhưng hai ông có điểm chung: tài giỏi, thẳng thắn, yêu nước.
Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với nhiều điều khoản thất thế cho triều Nguyễn, năm 1863 vua Tự Đức phái đại thần Phan Thanh Giản làm chánh sứ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Phạm Phú Thứ được cử làm phó sứ đi cùng. Ông sang trời Tây không chỉ để thương lượng mà còn chủ động tìm hiểu, học hỏi, ghi chép rất nhiều thứ tiến bộ của họ.
Năm 1864, sứ bộ về nước, Phạm Phú Thứ soạn và dâng lên nhà vua biểu tấu, thúc giục sớm cải cách, học tập và phát triển công nghiệp theo cách thức của Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Hai cuốn “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo” ông trình cho vua Tự Đức trong đó ghi chép những điều mắt thấy tai nghe về cách làm tiến bộ và thành quả tân thời của người Âu, khuyến nghị nước Nam ta làm theo.
Tư tưởng và tầm nhìn của Phạm Phú Thứ đã vượt xa tri thức thời đại mà ông đang sống rồi! Chưa cần phải chờ đến khi sang Tây Âu, lúc làm án sát Thanh Hóa, nhà Nho họ Phạm đã kiến nghị vua đóng tàu bọc đồng để phục vụ vận tải thủy và giao thương. Tàu đồng Thụy Nhạc ra đời là nhờ đầu óc Phạm Phú Thứ!
Tròn 140 năm sau kể từ bản trình tấu 1864, một hậu bối Quảng Nam của Phạm Phú Thứ là Hoàng Tụy cũng làm dậy sóng giới trí thức với bài viết thẳng thừng về giáo dục (công bố năm 2004). Lúc này, giáo dục và đào tạo nước nhà đối mặt hàng loạt vấn đề nhức nhối, cấp thiết phải đổi mới. Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị một báo cáo đặc biệt về giáo dục đào tạo. Báo cáo này được dự thảo nhiều lần, hầu hết các nội dung và luận điểm trong dự thảo báo cáo đều bị Giáo sư Hoàng Tụy phản biện, bác bỏ. Theo ông, ngành giáo dục chưa dám nhìn thẳng vào thực tế “lay lắt”, thiếu hẳn tư duy đổi mới, sáng tạo và đối diện nguy cơ khủng hoảng kéo dài.
Và 5 năm sau đó (2009), ông tiếp tục có bài viết rất dữ dội “Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng” (1), chỉ rõ thực trạng yếu kém, cảnh báo nhiều vấn đề và đưa ra khuyến nghị rất cụ thể. Ông nêu “thẳng như ruột ngựa”: “Chỉ những ai quá vô tâm với tình hình đất nước mới có thể yên lòng trước tình hình giáo dục hiện nay”(2).
Năm 2019 vừa khép lại, chúng ta chia tay cha đẻ lý thuyết toán học “Tối ưu toàn cục”. Người cháu của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu nối bước tiền nhân đồng hương Phạm Phú Thứ về bên kia thế giới nhưng những “tượng đài hay cãi” đáng kính ấy như vẫn ở lại với chúng ta, tiếp tục được thắp lửa bởi đòi hỏi của thực tế đất nước về công bằng, dân chủ và đổi mới luôn còn đó, mãi thôi thúc thế hệ hôm nay.
Vậy là đã rõ, “Quảng Nam hay cãi” không còn thuần túy là một cốt cách vùng miền, mà cao hơn thế, cãi chính là tranh luận, là phản biện với khát vọng dân chủ, khát vọng đổi mới!
_____________________
(1) và (2): Xin được nói thẳng (Nhà xuất bản Thế giới, 2019, tr. 123 và tr. 213).