Tôi đang ngồi bên ấm trà ban mai thì đứa cháu gái mới từ quê vô, ngủ ở tầng trệt tới thì thầm: “Bác ơi, nhà mình có chuột”. Đặt chén trà nóng sóng nước trên tay xuống mặt bàn, tôi hỏi lại: “Thiệt không con?”. Với điệu bộ của người sống ở vùng quê miền Trung, coi chuột là con vật linh thiêng, con bé càng thì thào hơn: “Dạ thiệt đó bác. Con thoáng thấy một “ông thiêng” trong bếp nhà mình”.
Sinh trưởng ở vùng quê miền Trung, ký ức trong tôi với “ông thiêng” đã quá tràn đầy. Nói đến chuột là nghĩ đến tai họa. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng khiến người ta phải sợ, tinh khôn và vô cùng tai quái khiến người ta phải kiêng dè. Nhà nào bị chuột phá hoại, người ta nói trại ra là “ông thiêng” viếng nhà. Đặt bẫy cũng phải âm thầm, sợ nó nghe, nó biết sẽ không dính bẫy mà còn trả thù…
Bởi vậy, khi nghe đứa cháu nói nhà có chuột là tôi sững người. Một kế hoạch diệt sạch mầm mống tai họa được tôi thực hiện ngay tối hôm đó. Và thật may, chuyện không rắc rối như tôi nghĩ. Chỉ một tối đặt bẫy là nỗi lo của tôi đã dễ dàng được dẹp bỏ. Một con chuột nhắt dính bẫy, sau đó không còn thấy bóng dáng con nào nữa.
Tưởng mọi chuyện đã yên, nào ngờ tuần sau, vợ tôi hốt hoảng: “Trời ơi, chiếc áo dài của em chuẩn bị đi ăn cưới bị chuột cắn mất rồi”. Con chuột thật tai quái, cả tủ đầy áo quần vậy mà nó chọn cái áo vợ tôi quý nhất mà cắn. Nó cắn chỗ hiểm, điểm giữa lưng chừng vạt trước, nơi không tài nào khắc phục được. Vợ tôi đành ngậm ngùi, đứt ruột vất đi chiếc áo mới may bạc triệu.
Sau bữa cơm tối ấy, cả nhà tôi ngồi bàn chuyện chiếc áo dài bị chuột cắn trước hay sau ngày con chuột nhắt dính bẫy. Nếu sau thì chắc chắn còn con khác sống trong ngôi nhà mình và chính nó đã trả thù cho đồng loại. Nhưng nếu đúng như vậy thì con chuột phải để lộ dấu vết gì chứ? Đằng này tuyệt nhiên không ai thấy bóng dáng chuột, đồ ăn thức uống trong nhà cũng không hề suy suyển, dù chỉ một vết gặm nhấm.
Tuy nghiêng về giả thuyết nào tôi cũng phải tiếp tục giăng bẫy cho yên tâm. Thế là keo dính chuột, bẫy kẹp, bẫy lồng, mồi nướng đủ thứ thơm lừng được tôi kiên trì rải khắp nhà cả tháng trời. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng con chuột nào. Thế là “chiến dịch” đành ngưng lại và “vụ án” chiếc áo dài được cho vào dĩ vãng.
Thế rồi khuya nọ, đang ngồi xem bóng đá dưới tầng trệt, tôi nhác thấy một con chuột thập thò trên mặt chiếc loa treo trên tường. Nó định nhảy xuống sàn nhà, thấy có người liền chui vào lại chiếc loa. Một phát hiện quá “trọng đại” làm tôi mừng rơn. Thế là nghi án chuột biết trả thù đã có câu trả lời. Kế hoạch tóm gọn con chuột xuất hiện trong đầu tôi. Tôi nhanh tay lấy khăn lau bàn bịt kín lỗ thông hơi chiếc loa, nơi duy nhất con chuột có thể chui ra chui vào. Xong tôi chạy vào bếp lấy chiếc bao tải ra, định bụng cho chiếc loa vào bao rồi mang vào buồng tắm đóng cửa lại, mở loa ra bắt thì nó có chạy đằng trời. Tôi đang loay hoay bỏ chiếc loa vào bao thì soạt một tiếng, mặt trước chiếc loa rách toang và bóng con chuột lao từ trong loa ra mái hiên nhà tối om. Tôi sững sờ trước diễn biến khó lường đó. Không những con chuột đã thoát thân, mà chiếc loa trị giá nửa tháng lương của tôi bỗng chốc thành đồ bỏ.
Giữa lúc cơn giận đang bừng bừng thì tôi nghe tiếng chuột con kêu khe khẽ trong chiếc loa. Như người vừa mất dầm vớ được chèo, tôi vội vàng cạy nắp trước chiếc loa ra, rọi đèn vào thì ôi thôi, cả đống chuột con đỏ hỏn đang ngo ngoe tìm mẹ. Trong cơn giận, tôi dùng tay bắt từng con ra để giữa sàn nhà. “Hừm, tao sẽ bằm chúng mày cho hả giận...”. Định bụng là vậy nhưng trong đầu chợt nhớ con chuột này biết trả thù, tìm cách bắt cho được nó rồi xử luôn thể mới an tâm. Với ý nghĩ đó, tôi nén giận đem nhốt lũ chuột con vào chiếc bẫy lồng.
Suốt ngày hôm ấy tôi căng óc tìm cách tóm con chuột mẹ, mới thấy không dễ chút nào bởi trước đây đã dùng hết phương pháp mà nó có sa bẫy đâu. Cuối cùng một ý nghĩ sắc lạnh lóe lên trong đầu.
Khuya đến, chờ cả nhà yên giấc, tôi âm thầm đem lũ chuột con ra thực hiện ý đồ của mình. Tôi dùng chỉ buộc từng con một rồi mắc tất cả chúng vào chiếc cần lẫy của chiếc bẫy lồng.
Suốt đêm thấp thỏm, sáng ra, vừa thức giấc là tôi đã chạy xuống tầng trệt thăm chiếc bẫy. Cửa bẫy đã sập! Bên trong bẫy con chuột mẹ thấy người liền vùng chạy quanh lồng tìm cách thoát thân. Sau một hồi vùng vẫy, nó biết không thể nào thoát được đành đến đứng bên đàn con, run rẩy giương đôi mắt thao láo nhìn tôi.
Mối hiểm họa được dập tắt. Nỗi bực tức đã được hóa giải. Tôi pha ngay một ấm trà, ngồi nhâm nhi thầm khen tài trí của mình.
Qua mấy chén trà, cái sự sung sướng cũng lắng dần, nhường chỗ cho những ý nghĩ mơ hồ hiện rõ dần trong tâm tư tôi. Liền đó là niềm kiêu hãnh của tôi sụp đổ ngay khi đưa mắt nhìn vào chiếc bẫy. Trong bẫy con chuột mẹ đang nằm an nhiên cho bầy con rúc vú như thể nó không màng sự sống chết nữa.
Cảnh ấy làm tôi tự hỏi mình đã thắng con chuột nhắt bằng trí thông minh con người ư? Sự thông minh đó là dùng con làm mồi nhử để bắt mẹ. Thứ mồi nhử tối thượng mà con người gọi là tình mẫu tử. Một thứ tình thiêng liêng mà bất kỳ loài vật làm mẹ nào trên thế gian này cũng có. Như thế là thông minh hay hiểm ác? Con vật nhỏ bằng ngón chân cái con người trong lúc nguy cấp đã thể hiện tình mẫu tử không hề thua con người chút nào. Trước đây trong bẫy nhiều thức ngon vật lạ mà nó không màng. Vậy mà giờ đây vì con, biết vào bẫy là chết nó vẫn vào. Đã vậy còn nằm ngang nhiên cho con bú, mới đáng nghĩ ngợi làm sao!
Tôi đưa mắt nhìn vào trong chiếc bẫy. Lũ chuột con sau một hồi rúc vú mẹ đã nằm im thin thít. Con chuột mẹ nằm bên đám con giương đôi mắt nhìn tôi thao láo. Tôi thoáng nhận ra mình đã chơi một cuộc chơi mà kết quả nào mình cũng thua. Nếu con chuột mẹ không vào bẫy, đương nhiên toan tính của tôi thất bại. Nhưng bây giờ nó đã vào bẫy như thế đó, liệu tôi có dám đưa cả mẹ con chúng vào chỗ chết không?
Tôi pha thêm một ấm trà và ngập chìm trong suy tư đó.