Giải ngân vốn đầu tư công: Rút gọn tối đa thủ tục không cần thiết

(PLO)- Dự án đầu tư phải được chuẩn bị thật tốt, bảo đảm tính khả thi, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện và giải ngân sớm
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, giảng viên Học viện Tài chính:

Chú trọng trách nhiệm người đứng đầu

Về khách quan, sự bùng phát của dịch COVID-19 tại hầu hết các địa phương cũng như TP.HCM đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, việc phân giao nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng như bộ, ngành cho các ban quản lý dự án chưa hợp lý và sự thiếu kiên quyết, nỗ lực của người đứng đầu những cơ quan hữu trách cũng là nguyên nhân.

Giải ngân vốn đầu tư công là vốn mồi, thúc đẩy cầu tiêu dùng, cũng như tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi cơ sở hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế trước mắt và lâu dài. Đồng thời tạo ra công ăn việc làm, các sản phẩm hàng hóa, thu nhập cho người dân.

Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công cần sự phối hợp của nhiều ban ngành thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Đặc biệt, cần nhanh chóng rút gọn tối đa những thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, “quân xanh, quân đỏ”.

Bên cạnh đó, trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu của các cơ quan, ban ngành phải được đề cao từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra, giám sát, thẩm định... Phân rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ, đúng vị trí, vai trò, giúp chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.

TS MAJO GEORGE,giảng viên ĐH RMIT Việt Nam:

Quy định minh bạch để tránh tâm lý “lo ngại” bị kỷ luật

Giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đang rất chậm do gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, vướng mắc giải phóng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến phải điều chỉnh dự toán.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến đầu tư hạ tầng bị chậm, khiến TP không phát huy được nội lực cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất lao động, sức cạnh tranh, gây lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần có các quy định minh bạch để những chủ thể tham gia không lo ngại bị kỷ luật về sau. TP cần đưa ra quy định đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan chủ quản phải tăng cường giám sát chủ đầu tư về tình hình giải ngân.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Cần giám sát chặt chẽ các dự án

Ngoài dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án. Nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng để chờ được điều chỉnh đơn giá đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.

Ngoài ra, các dự án mới cần quá trình chuẩn bị, làm thủ tục phải mất khoảng sáu tháng, có khi hơn nên đến cuối năm mới có thể giải ngân được. Nguyên nhân nữa là không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án.

Từ nhiều năm nay, công tác giải ngân ở nước ta từ cấp trung ương đến địa phương đều chậm do thủ tục thường rất phức tạp, qua nhiều bước. Vì thế, Chính phủ cần giải quyết căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định khác liên quan để bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục, tạo sự thuận lợi cho thực hiện dự án đầu tư công.

Dự án đầu tư phải được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư chuẩn bị thật tốt, bảo đảm tính khả thi, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện và giải ngân sớm.

Chính phủ phải giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công, quy định điều kiện năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp hay trách nhiệm của người đứng đầu. Cần quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm