Giải pháp cho hàng trăm ngư dân hồ Trị An chuyển đổi nghề

(PLO)- Nghề te bị cấm, người dân mưu sinh trên hồ Trị An có thể chuyển sang khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ khác được nhà nước cho phép. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để cuộc sống của gia đình không bị ảnh hưởng và đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản thì các hộ ngư dân có thể chuyển đổi sang khai thác thủy sản bằng các loại nghề, ngư cụ khác được Nhà nước cho phép hoạt động trên hồ Trị An

Thời gian qua, hằng trăm ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An thuộc các xã Phú Cường, La Ngà và Mã Đà (huyện Định Quán, Đồng Nai) đang thấp thỏm, lo âu vì nghề mưu sinh mấy chục năm qua bị cấm, cuộc sống vô cùng khó khăn vì chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Gặp khó khi tiền hỗ trợ quá thấp

Ông Nguyễn Văn Năm (ở ấp 5, xã La Ngà) cho biết hiện còn khoảng 200 hộ dân đang sống dưới lòng hồ Trị An cuộc sống thường ngày đã khó khăn vì đất đai không có, con trẻ thất học nên chỉ bám vào nghề đánh bắt thủy sản hàng chục năm qua. Tuy có vất vả nhưng bà con cũng không thể kiếm được công việc tốt hơn nên đành bám trụ với nghề sống nước.

Để hoạt động trong việc đánh bắt Thủy sản, các hộ dân phải ký hợp đồng khai thác thủy sản với Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Trong đó ghi rõ về các cách thức khai thác, công cụ được phép khai thác và đóng tiền cho Khu bảo tồn từ 400 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/ tháng.

Ngư dân sống lòng hồ Trị An đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi nghề. Ảnh: VŨ HỘI.

Ngư dân sống lòng hồ Trị An đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi nghề. Ảnh: VŨ HỘI.

Đến khi có Thông tư số 19/2018/TT-BNN- PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành cấm một số ngành nghề đánh bắt thủy sản, trong đó có nghề te (đánh bắt tôm cá ở quy mô nhỏ). Điều này khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân rất khó khăn, thất nghiệp. “Vì chưa chuyển đổi nghề, người dân chúng tôi đã có có đơn xin được tiếp tục hành nghề để kiếm sống trong khoảng thời gian chờ xem xét bồi thường, hỗ trợ kinh phí, chuyển đổi nghề nghiệp”, ngư dân sống lòng hồ cho biết thêm.

Đặc biệt có nhiều ngư dân là Việt kiều Campuchia do phần lớn không có chỗ ở cố định, nhiều năm nay sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và sống lênh đênh trên bè, không biết chữ. Vì vậy chính quyền cần xác định rõ chính sách hỗ trợ cho họ để những người này được hưởng các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện để con em họ được đến trường…

Cuối năm 2021, đại diện Khu Bảo tồn tổ chức cuộc họp với sự có mặt của đại diện chính quyền địa phương bà con ngư dân cho biết sẽ hỗ trợ với số tiền là 14 triệu đồng/hộ dân và buộc người dân phải sớm thực hiện Thông tư số 19. Điều này khiến người dân hoang mang vì số tiền hỗ trợ quá ít so với việc họ đầu tư mua trang thiết bị phục vụ việc đánh bắt và không thể lo trang trải khi đi tìm việc mới.

"Nhà nước hỗ trợ 14 triệu/ hộ thì quá thấp vì người dân chưa kịp học nghề mới đã hết tiền rồi, trong khi đó mỗi hộ đầu tư cả trăm triệu đầu tư máy móc, thuyền, bình điện, dụng cụ đánh bắt... Chúng tôi mong muốn được bồi thường hỗ trợ tối thiểu cũng phải được 50 triệu vì trong thời gian tìm công việc mới còn phải lo trang trải ăn uống, con cái học hành nữa”, ông Năm nói thêm.

Các ngư dân tha thiết mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có sự quan tâm, chỉ đạo để họ được hỗ trợ thỏa đáng, tạo điều kiện cho họ có sinh kế bảo đảm cuộc sống gia đình.

Ngư dân có thể đánh bắt bằng ngư cụ khác

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, cho biết vào tháng 8- 2021, Khu bảo tồn tạm dừng việc cấp mới giấy phép khai thác thủy sản và hợp đồng khai thác thủy sản đối với các hộ phát sinh mới xin khai thác bằng nghề lưới kéo và nghề lưới cào bằng khung sắt kết hợp với tàu có gắn động cơ trên điạ bàn tỉnh theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.

Cuộc sống của một gia đình ngư dân dưới lòng hồ Trị An. Ảnh: VŨ HỘI.

Cuộc sống của một gia đình ngư dân dưới lòng hồ Trị An. Ảnh: VŨ HỘI.

Cũng theo ông Hảo, ngoài ra theo thông tư 19 của Bộ NN & PTNT đã ban hành danh mục các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên phạm vi cả nước, trong đó đối với các nghề lưới kéo, nghề te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ khai thác tại vùng ven bờ, vùng nội địa bắt đầu từ ngày 1-1-2023.

“Vì vậy Khu Bảo tồn không có thẩm quyền quyết định cho kéo dài thời hạn khai thác thủy sản đối với các nghề và ngư cụ đã bị cấm theo quy định của pháp luật. Để cuộc sống của gia đình không bị ảnh hưởng và đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản thì các hộ ngư dân có thể chuyển đổi sang khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ khác được nhà nước cho phép hoạt động trên hồ Trị An”, ông Hảo nói thêm.

Còn về việc thu tiền hàng tháng của ngư dân khai thác thủy sản từ 400 đến 1,2 triệu đồng một tháng, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, theo Luật Thủy sản năm 2017 quy định về nguyên tắc hoạt động thủy sản thì các tổ chức, cá nhân phải chia sẻ lợi ích, trách nhiệm mình trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.

Khu Bảo tồn còn được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép nhận kinh phí đóng góp từ tổ chức cá nhân thông qua hợp đồng khai thác thủy sản theo quy định tại các Quyết định hàng năm của tỉnh.

"Số tiền mà ngư dân đóng theo hợp đồng Khu Bảo tồn đã sử dụng chủ yếu tập trung vào công tác quản lý bảo vệ hồ Trị An và tái tạo nguồn lợi thủy sản như mua cá giống để thả dưới hồ nhằm góp phần ổn định, phát triển nguồn lợi thủy sản, cải thiện đời sống cho ngư dân trên hồ Trị An. Kể từ năm 2022, Khu bảo tồn không nhận chia sẻ lợi ích từ người dân đối với các nghề đã bị cấm", giám đốc Khu Bảo tồn nói thêm.

Ngày 30-7-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về việc quy định chế độ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, mức hỗ trợ được quy định tại Điều 3, cụ thể: Ngư cụ te là 14 triệu đồng/ngư dân; ngư cụ đăng là 17,5 triệu đồng/ngư dân; ngư cụ lồng xếp (lợp xếp) là 35 triệu đồng/ngư dân và ngư cụ đáy là 40 triệu đồng/ngư dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm